Thượng đỉnh G7 khai mạc ở Hiroshima, chuyện gì được đem ra bàn?

Không phải ngẫu nhiên Hiroshima được lựa chọn làm địa điểm tổ Hội nghị Thượng đỉnh năm 2023 của Nhóm 7 nền kinh tế giàu có nhất thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chính thức khai mạc ngày 19/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, và sẽ kéo dài đến ngày 21/5.

Không phải ngẫu nhiên Hiroshima được lựa chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị lần này. Thành phố được cả thế giới biết đến là nơi đầu tiên bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân cũng là quê nhà của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Vụ đánh bom năm 1945 đã giúp kết thúc Thế chiến II, nhưng đã tàn phá Hiroshima và cả thành phố Nagasaki của Nhật Bản, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng và nỗi đau đối với người sống sót vẫn còn được nhắc nhớ đến tận hôm nay.

Sự lựa chọn địa điểm của ông Kishida phản ánh quyết tâm của nhà lãnh đạo Nhật Bản trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Vấn đề này cũng hứa hẹn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7, bên cạnh các vấn đề nóng như hỗ trợ cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Nga, cũng như cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc…

Hàm ý từ Hiroshima

Quay trở lại năm 2016, khi ông Kishida, khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản, đưa những người đồng cấp G7 của mình tới đài tưởng niệm Mái vòm bom nguyên tử (A-Bomb Dome) ở Hiroshima, ông tin rằng “đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân”.

7 năm sau, khi ông Kishida trở lại thành phố quê hương mình để chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản, ông cùng các lãnh đạo cấp cao đã một lần nữa viếng thăm đài tưởng niệm A-Bomb Dome. Tuy nhiên, giờ đây giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân của ông dường như trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Các nhà lãnh đạo G7 thăm đài tưởng niệm Mái vòm bom nguyên tử (A-Bomb Dome) ở Hiroshima, ngày 19/5/2023, trước khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh thường niên. Ảnh: Republic World

Các nhà lãnh đạo G7 thăm đài tưởng niệm Mái vòm bom nguyên tử (A-Bomb Dome) ở Hiroshima, ngày 19/5/2023, trước khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh thường niên. Ảnh: Republic World

Kể từ khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái, những lời đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân thường xuyên được nghe thấy hơn, trong khi kho vũ khí hạt nhân của một số quốc gia cũng ngày một phình lên, khiến các đồng minh của Washington, bao gồm cả Nhật Bản, có nhu cầu cao hơn đối với chiếc ô hạt nhân Mỹ.

“Tôi thực sự cảm thấy rằng con đường hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân thậm chí còn trở nên khó khăn hơn trước”, ông Kishida thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước. Nhưng ông nói thêm rằng trách nhiệm của Nhật Bản – với tư cách là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử – là “tiếp tục giương cao ngọn cờ lý tưởng của chúng ta” để đạt được mục tiêu xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Hiroshima, nơi vào ngày 6/8/1945, ít nhất 80.000 người đã thiệt mạng khi Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến nay tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân.

Với tư cách một người gốc Hiroshima, ông Kishida cẫn coi giải trừ quân bị là trọng tâm trong sự nghiệp chính trị của mình. Do đó, chủ đề này dự kiến sẽ nổi bật khi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới tề tựu tại thành phố Hiroshima, Tây Nam Nhật Bản.

Các nhà lãnh đạo G7 tham gia trồng cây tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ngày 19/5/2023, trước khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh thường niên. Ảnh: Twitter

Các nhà lãnh đạo G7 tham gia trồng cây tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ngày 19/5/2023, trước khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh thường niên. Ảnh: Twitter

Các nước G7 – trong đó Mỹ, Pháp và Anh có vũ khí hạt nhân – đã bị chỉ trích sau cuộc họp của các Ngoại trưởng vào tháng trước vì đã không đưa ra được các bước mới để loại bỏ vũ khí hạt nhân. Liệu Hội nghị Thượng đỉnh lần này có thể đưa ra những ý tưởng cụ thể hơn hay không sẽ được theo dõi chặt chẽ, bao gồm cả những người ở thành phố chủ nhà Hiroshima.

“Chúng tôi hy vọng rằng G7 sẽ có thể vạch ra một hướng đi vững chắc cho mục tiêu cuối cùng hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và không dựa vào sự răn đe”, ông Kazumi Matsui, Thị trưởng thành phố Hiroshima, cho biết.

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc

Nhưng Thượng đỉnh năm nay diễn ra khi các thành viên G7 bị chia rẽ về một loạt vấn đề quan trọng khác, bao gồm cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, vấn đề cưỡng ép kinh tế, chiến lược khí hậu, đối phó với Nam Bán cầu, và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI).

G7 – bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ – được lập ra để thảo luận về các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế những năm 1970. Ngày nay lãnh đạo các nước này tề tựu vào thời điểm quan trọng, khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương G7 đã hoàn tất cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Niigata, cam kết sẽ chống lại việc gia tăng chi phí và đảm bảo những kỳ vọng về các biến động giá trong tương lai vẫn được “ổn định tốt”.

“Khi nói đến những gì đang xảy ra trong chính trị thế giới… thì chúng ta ngày càng lo lắng về mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột”, bà Mireya Solis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings, cho biết trong một podcast gần đây.

“Đây là những siêu cường trong vấn đề hạt nhân – và do đó, tôi nghĩ rằng Hiroshima gói gọn một lời nhắc nhở rất sâu sắc về sự cần thiết phải giải quyết những vấn đề này và tránh một kết quả tương tự”, bà Solis nói.

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chính thức khai mạc ngày 19/5/2023 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, bàn nhiều vấn đề nóng. Ảnh: Twitter

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chính thức khai mạc ngày 19/5/2023 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, bàn nhiều vấn đề nóng. Ảnh: Twitter

Căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung Quốc cũng gây ra những lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng được cho là sẽ công bố một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc.

Cũng tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương G7tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các phóng viên rằng Mỹ đang xem xét các biện pháp để chống những biện pháp “cưỡng ép kinh tế” được cho là do Trung Quốc sử dụng đối với các nước khác.

Ông Biden xác nhận rằng ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tương lai gần, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể về thời điểm cuộc gặp sẽ diễn ra.

“Dù sớm hay muộn, chúng tôi sẽ gặp nhau,” ông Biden nói khi được hỏi về kế hoạch gặp ông Tập.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, lý tưởng nhất là một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, và các quan chức Mỹ đang tích cực đánh giá xem liệu cuộc gặp có thể diễn ra trước cuối năm nay hay không.

Xung đột Nga-Ukraine

Chắc chắn chủ đề về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và làm thế nào gia tăng sức ép lên nền kinh tế Nga sẽ chiếm một phần không nhỏ trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đích thân đến Nhật Bản tham dự hội nghị vào ngày 21/5, theo Financial Times và các nguồn thạo tin. Nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Âu tới nhằm mục đích củng cố sự ủng hộ từ nhóm các nền dân chủ giàu có dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7, chính phủ Anh hôm 18/5 đã công bố một vòng trừng phạt mới, bao gồm lệnh cấm đối với kim cương Nga, được cho là sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực có giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD vào năm 2021của Moscow. Ngoài ra, chính quyền của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tuyên bố cấm nhập khẩu đồng, nhôm và niken có nguồn gốc từ Nga.

Ngoài những hạn chế thương mại trên, Vương quốc Anh đang có kế hoạch nhắm mục tiêu bổ sung 86 thành viên của tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga, cũng như các cá nhân tham gia vào các lĩnh vực quan trọng của Nga bao gồm năng lượng, kim loại và vận chuyển.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5/2023, tài khoản Twitter của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đăng bức ảnh thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine. Ảnh: Twitter

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5/2023, tài khoản Twitter của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đăng bức ảnh thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine. Ảnh: Twitter

Vương quốc Anh đang tiếp tục hợp tác với các đồng minh G7 để nhắm mục tiêu vào tất cả các hình thức trốn tránh các lệnh trừng phạt, bao gồm cả những bên cố tình hỗ trợ Điện Kremlin trong nỗ lực giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt hiện tại.

Giống như London, Washington cũng đang chuẩn bị một gói trừng phạt mới nhắm vào Nga, nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết.

Các biện pháp nhằm “hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với hàng hóa quan trọng đối với năng lực chiến trường của nước này”, vị quan chức Mỹ cho biết hôm 19/5 trước khiHội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc tại Nhật Bản.

Mỹ có kế hoạch tiếp tục mở rộng kiểm soát xuất khẩu “để khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc duy trì cỗ máy chiến tranh của mình”, ngăn khoảng 70 thực thể từ Nga và các nước thứ ba tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ, vị quan chức này nói, đồng thời cho biết thêm rằng 300 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức, tàu thuyền và máy bay cũng sẽ được công bố.

Khí hậu và AI

Đối với các quốc gia đang phát triển, bao gồm nhiều thuộc địa cũ của các cường quốc phương Tây có quan điểm và mối quan hệ khác nhau với Nga và Trung Quốc, G7 sẽ hỗ trợ nhiều hơn về y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng để giúp củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Các nước phát triển đã hứa vào năm 2009 sẽ chuyển 100 tỷ USD hàng năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cho các quốc gia dễ bị tổn thương do các tác động và thảm họa liên quan đến khí hậu ngày càng nghiêm trọng – nhưng mục tiêu đó đã chưa bao giờ đạt được.

Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam của Anh, các quốc gia giàu có trong G7 nợ các nước nghèo khoảng 13.000 tỷ USD viện trợ phát triển chưa thanh toán cũng như hỗ trợ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Logo của Hội nghị thượng đỉnh G7 được chụp ở Hiroshima, ngày 16/5/2023. Ảnh: Getty Images

Logo của Hội nghị thượng đỉnh G7 được chụp ở Hiroshima, ngày 16/5/2023. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, có một vấn đề ban đầu không nằm trong chương trình nghị sự: Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo G7 không còn có thể phớt lờ các vấn đề mà nó đặt ra.

Vào tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã gặp Giám đốc Điều hành của OpenAI, công ty đã phát triển chatbot ChatGPT. Trong khi đó, các nhà lập pháp EU cũng đã thúc giục các nhà lãnh đạo G7 tìm cách kiểm soát sự phát triển của sản phẩm AI này.

Các Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số của G7 hồi tháng 4 đã đồng ý rằng họ nên áp dụng quy định “dựa trên rủi ro” đối với AI.

Minh Đức (Theo Financial Times, Al Jazeera, CNBC)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuong-dinh-g7-khai-mac-o-hiroshima-chuyen-gi-duoc-dem-ra-ban-a608571.html