Thượng đỉnh G7 và NATO: Thách thức chồng thách thức

Hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO cho thấy nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm vừa đối phó Nga và thách thức mang tính hệ thống từ Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Thượng đỉnh khối ở Elmau (Đức) ngày 28/6. (Nguồn: Reuters)

Lãnh đạo các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Thượng đỉnh khối ở Elmau (Đức) ngày 28/6. (Nguồn: Reuters)

Tuần cuối cùng của tháng 6/2022 chứng kiến hai cuộc họp thượng đỉnh quan trọng của liên minh phương Tây là Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Câu chuyện không ngoài dự đoán là việc các nước phương Tây tìm cách “xốc lại” sự đoàn kết trong cuộc đối đầu toàn diện với Nga, trong khi Moscow không tỏ ra yếu thế, lùi bước trước trừng phạt chưa từng có của Washington và đồng minh.

Đáng chú ý là song song với việc đối phó với các thách thức từ Nga, Mỹ và phương Tây cũng đồng thời triển khai mạnh mẽ sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Bất lực” trước Nga?

Ngay trước thềm hai cuộc họp G7 và NATO lần này, các nhà lãnh đạo EU đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels hai ngày 23 và 24/6.

Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo EU đã không đưa ra thêm gói trừng phạt mới nào chống lại Nga. Thay vào đó, họ đã nhất trí xem xét chặt chẽ, nâng cao hiệu quả thực hiện sáu gói trừng phạt trước. Động thái này cho thấy dường như Mỹ và phương Tây đã ngầm thừa nhận các gói trừng phạt kinh tế với Nga đến nay đều kém hiệu quả, phức tạp trong quá trình triển khai và không có tác dụng tức thời.

Liên quan đến Nga và hỗ trợ cho Ukraine, các cuộc họp Thượng đỉnh G7 và NATO đã đưa ra ba quyết định quan trọng:

Thứ nhất, bên cạnh các gói trừng phạt trước đó, G7 sẽ cấm nhập khẩu vàng, đồng thời nghiên cứu áp dụng giá trần với dầu hỏa và khí đốt Nga để hạn chế việc Moscow thu lợi từ giá dầu và khí đốt tăng. Hiện thu nhập hàng tháng từ xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga còn nhiều hơn trước ngày 24/2 do giá tăng đột biến.

Tuy nhiên, giải pháp do G7 đề xuất sẽ bất khả thi nếu Nga quyết định giảm xuất khẩu dầu và khí đốt sang EU. Điều này có thể gây hại khôn lường cho khối này.

Thứ hai, G7 đã quyết định tăng cường viện trợ kinh tế cho Ukraine nhằm hỗ trợ nước này trong cuộc đối đầu lâu dài với Nga. Đáng chú ý, trước đó, EU đã nhất trí trao cho Ukraine quy chế ứng cử viên gia nhập khối này với thời gian ngắn kỷ lục là chưa đầy bốn tháng.

Thứ ba, NATO sẽ tăng quân số trong Lực lượng phản ứng nhanh của mình tại châu Âu hơn bảy lần, từ 40.000 lên 300.000 những năm tới. Các thành viên cam kết sẽ đóng 2% GDP ngân sách hàng năm cho quốc phòng năm 2024.

Phản ứng trên của G7 và NATO cho thấy sự lúng túng trong việc tìm ra cách thức hữu hiệu để đối phó với Moscow, khi xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ năm và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Trong khi đó, các dấu hiệu rạn nứt từ bên trong bắt đầu xuất hiện, khi công chúng các nước phương Tây đang ngày trở nên mệt mỏi với lạm phát, khi giá lương thực, năng lượng tiếp tục leo thang.

Mở rộng “trận tuyến”

Không chỉ đối phó với các thách thức an ninh từ Nga và xung đột Nga-Ukraine, các lãnh đạo G7 và NATO còn đề ra cách thức phối hợp để xử lý hàng loạt các thách thức mang tính toàn cầu từ an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, từ ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế đến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Trung Quốc được đề cập khá rõ nét với tư cách là một đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng:

Đầu tiên, tại Thượng đỉnh, G7 đã công bố chương trình “Đối tác đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu” thay thế cho kế hoạch “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” với mức đầu tư trên 600 tỷ USD trong năm năm tới để cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Bốn lĩnh vực ưu tiên trong chương trình đối tác mới này của G7 gồm: biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng; kết nối số; y tế và an ninh y tế; bình đẳng giới và bình đẳng.

Thứ hai, về mặt an ninh, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này thông qua tài liệu khái niệm mang tính chiến lược (strategic concept). Theo đó, Trung Quốc lần đầu được nhắc đến là “thách thức mang tính hệ thống” (strategic challenger).

Sở dĩ Trung Quốc được NATO đặc biệt chú ý như vậy là do xung đột Nga-Ukraine đã khiến hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh chặt chẽ hơn bao giờ hết. Trước đó, trong Tuyên bố chung Trung-Nga ngày 4/2, lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã tuyên bố thiết lập “quan hệ đối tác không giới hạn” giữa hai nước.

Thứ ba, lần đầu tiên lãnh đạo của bốn nước châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Đây đều là các nước có vấn đề về lịch sử hoặc hiện tại trong quan hệ với Trung Quốc.

Do đó, không loại trừ khả năng Mỹ và NATO hy vọng rằng sự can dự của NATO với bốn nước này không chỉ giúp tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn giúp các nước này có một vị thế tốt hơn trong đối phó với các thách thức an ninh từ Trung Quốc.

Phải chăng phương Tây đã quá tự tin khi vừa đối phó với Nga, vừa đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược đối đầu với Trung Quốc trên toàn cầu?

Câu trả lời còn ở phía trước.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hoàng Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-g7-va-nato-thach-thuc-chong-thach-thuc-189064.html