Thượng đỉnh khai mạc, NATO cam kết hỗ trợ nhiều vũ khí cho Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 9/7 khai mạc ở thủ đô Washington (Mỹ) với cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo khối này về hỗ trợ thêm nhiều khí tài quân sự phòng không cho Ukraine. Ngoài ra, NATO còn để ngỏ cơ hội lớn hơn bao giờ hết cho Ukraine trở thành thành viên của tổ chức này.
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ và ít nhất 9 quốc gia thành viên NATO đã đồng ý cho Ukraine gửi hàng chục hệ thống phòng không trong vài tháng tới. Khoản đóng góp quân sự, bao gồm ít nhất 4 tổ hợp tên lửa Patriot là một phần trong nỗ lực của NATO nhằm hỗ trợ Ukraine củng cố hệ thống phòng không.
Ông Biden tuyên bố tại Thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington: "Hôm nay, tôi xin thông báo về khoản tài trợ lịch sử về thiết bị phòng không cho Ukraine. Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine 5 hệ thống phòng không chiến lược bổ sung. Và trong những tháng tới, chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị này. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng khi chúng tôi xuất khẩu các máy bay đánh chặn phòng không quan trọng này, phía Ukraine sẽ dẫn đầu trong chiến tuyến”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO không cho biết về mốc thời gian chuyển giao các hệ thống phòng không theo thỏa thuận mới. Trong năm nay, NATO sẽ còn tiếp tục đưa ra thêm các quyết định cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine.
Trong một tuyên bố tại hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất. Và các đồng minh NATO cũng đã cung cấp những sự hỗ trợ chưa từng có. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của chúng ta dành cho Ukraine cũng không hề đơn giản bởi vì nó cũng luôn đi kèm với chi phí và rủi ro. Và chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột”.
Không chỉ dừng lại ở các khoản hỗ trợ quân sự, NATO cũng đang để ngỏ cơ hội lớn hơn bao giờ hết cho Ukraine trở thành thành viên của khối. Theo các nguồn tin tại chỗ, trong dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này đã nhấn mạnh đến việc Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và đây là giải pháp không thể đảo ngược. Tuy nhiên theo nguồn tin, nội dung dự thảo có thể vẫn sẽ được thay đổi trước khi được thông qua chính thức tại hội nghị.
Theo đánh giá của giới phân tích, với sự hiện diện của từ ngữ “không thể đảo ngược”, đây sẽ là một tín hiệu quan trọng gửi tới Ukraine và Nga, và là một bước đi đầy táo bạo của NATO. Trong một lá thư ngỏ vừa đăng tải mới đây, 60 chuyên gia chính sách đối ngoại đã cảnh báo NATO không nên thúc đẩy việc Ukraine gia nhập tổ chức vì Nga sẽ có lý do để nghi ngờ tính xác thực của cam kết đảm bảo an ninh trong NATO, kéo theo nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai bên, trong khi những bất đồng nội khối trong vấn đề này có thể làm rạn nứt liên minh.
Trong một tuyên bố trước thềm hội nghị, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov hôm qua (9/7) cho biết, Nga sẽ theo dõi sát sao kết quả hội nghị NATO và sẽ có phản ứng kịp thời.
Diễn ra trong 3 ngày từ 9-11/7, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ tập trung thảo luận về một loạt vấn đề nóng có ý nghĩa sống còn đối với liên minh quân sự 75 năm tuổi. Trong đó tập trung vào ba chủ đề chính, gồm khả năng răn đe và phòng thủ, sự hỗ trợ cho Ukraine và quan hệ giữa NATO với các đối tác.