Thượng đỉnh Mỹ - Hàn hứa hẹn nhiều tín hiệu quan trọng
Trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang hướng đến đàm phán về sản xuất chip và vấn đề Triều Tiên, theo Nikkei Asia.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào ngày 24/4 đã rời Hàn Quốc để tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong 6 ngày và nhân dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh.
Với chuyến thăm này, Tổng thống Yoon Suk-yeol là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai thăm chính thức Mỹ kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức đầu năm 2021 và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ sau 12 năm.
Nikkei Asia dự đoán một số mục tiêu của ông Yoon là đề nghị Mỹ nhượng bộ cho một số công ty công nghệ quan trọng nhất của Hàn Quốc trong khi thể hiện sự đồng thuận với Washington về những căng thẳng liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Tìm kiếm sự nhượng bộ về sản xuất chip
Seoul và Washington đã xây dựng liên minh kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và cho đến nay hai nước vẫn duy trì quan hệ an ninh và kinh tế sâu rộng. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị đã làm căng thẳng mối quan hệ thân thiết vốn có. Để đối phó với sự phức tạp của chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra và căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện các biện pháp khuyến khích sản xuất nhiều hơn trong nước, một phần để đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn và khôi phục tình hình hoạt động sản xuất của Mỹ.
Năm ngoái, Washington đã thông qua một văn bản, được gọi là Đạo luật Khoa học và Chip. Theo đó, đạo luật này đưa ra nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất chip với điều kiện các công ty này không được xây dựng một số cơ sở nhất định ở Trung Quốc. Đạo luật này đặt ra một tình thế khó khăn đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc, chẳng hạn như Samsung Electronics và SK Hynix, đang vận hành các nhà máy ở Trung Quốc.
Một số chính trị gia Hàn Quốc chỉ trích đạo luật này, coi đây là hành động không tuân thủ tinh thần của liên minh. "Chúng ta phải bảo vệ ngành công nghiệp Hàn Quốc trước sự phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, vốn là huyết mạch của nền kinh tế của chúng ta", Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập chính, cho biết trong một cuộc họp báo gần đây với các phóng viên nước ngoài tại Seoul.
Ông Patrick M. Cronin, chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson, cho biết ông Biden và ông Yoon sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh để "hài hòa các chính sách công nghệ và thương mại, đồng thời bảo vệ chuỗi cung ứng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai".
Ông Cronin chia sẻ với Nikkei Asia: "Không có đồng minh nào có lợi ích giống hệt nhau" nhưng hai chính phủ "có thể đưa ngành công nghệ lớn dần trở nên ít phụ thuộc vào Trung Quốc và hội nhập hơn với các quốc gia có cùng chí hướng, đồng thời họ có thể nhất trí với nhau về các tiêu chuẩn giúp giảm nguy cơ bị gây sức ép kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng, bảo vệ dữ liệu nhưng vẫn thành công trong kinh doanh."
Tăng cường liên minh trước nguy cơ hạt nhân
Ngoài vấn đề an ninh thương mại và kinh tế, vấn đề Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự của ông Yoon. Năm nay, Bình Nhưỡng đã thực hiện một loạt vụ thử vũ khí và cho thấy nhiều loại vũ khí của họ ngày càng tối tân.
Đầu tháng này, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn mới. Vụ phóng này diễn ra ngay sau một cuộc thử nghiệm máy bay không người lái tấn công dưới nước có khả năng hạt nhân.
Đại diện cho Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ của Hàn Quốc, ông Yoon vốn ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên và muốn củng cố sức mạnh quân sự của để đối phó với sự leo thang căng thẳng. Theo Nikkei Asia, ông Yoon năm nay đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc từng ám chỉ khả năng phát triển năng lực hạt nhân trong nước.
Về phần mình, Washington kiên quyết không khuyến khích Seoul phát triển vũ khí hạt nhân và cam kết bảo vệ Hàn Quốc bằng kho vũ khí hạt nhân của mình, nếu cần. Lee Ji-young, phó giáo sư tại Đại học Mỹ ở Washington, cho biết việc phát triển các thiết bị hạt nhân "không phải là điều mà ông Yoon có thể xúc tiến, về mặt chính trị, vì vậy, theo suy nghĩ của nhà lãnh đạo này, lựa chọn còn lại là tăng cường liên minh với Mỹ."
"Vì vậy, chuyến đi này là để đảm bảo rằng Mỹ sẽ có mặt để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên và để bảo vệ an ninh quốc gia của Hàn Quốc", ông Lee nói với Nikkei Asia.