Thượng đỉnh Mỹ - Trung thành công hay thất bại?
Bất chấp những tuyên bố đầy tính tích cực, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã không mang lại nhiều ý nghĩa.
"Quay lưng với nhau không phải là lựa chọn", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói như vậy khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Mỹ vừa qua. Theo ông Tập, xung đột và đối đầu sẽ dẫn tới những hậu quả không thể chịu đựng được cho cả hai bên. Đáp lại, ông Joe Biden nói rằng điều tối quan trọng là hai bên hiểu nhau hơn và đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột.
Những ngôn từ đó khiến nhiều người cảm thấy dường như quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ tan băng sau cuộc gặp thượng đỉnh này. Vậy nhưng, những cam kết hợp tác về biến đổi khí hậu, chống ma túy hay AI là chưa đủ để các nhà quan sát kết luận cuộc gặp đã thành công.
Trên thực tế, nếu so với quy mô các vấn đề gây mâu thuẫn cốt lõi giữa hai bên, kết quả của cuộc gặp là rất ít ỏi. Tại đó, các vấn đề Đài Loan, Biển Đông hay tranh chấp thương mại và công nghệ vẫn trở nên bế tắc dù chúng được cho cũng nằm trong nội dung trao đổi của hai lãnh đạo.
Lý giải về điều này, các nhà phân tích cho rằng không có nhiều động lực để cả ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình nhún nhường nhau trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Khi còn chưa đầy 1 năm nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ muốn ghi điểm trong con mắt cử tri cũng như các giới chính trị Mỹ. Bất chấp những tranh cãi gay gắt về một loạt các vấn đề như Ukraine, Trung Đông hay trợ cấp kinh tế xanh, lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc đang là vấn đề duy nhất nhận được ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.
Dữ liệu thăm dò gần đây cho thấy 73% người Mỹ muốn chính phủ của họ theo đuổi đối thoại ngoại giao cấp cao với Trung Quốc. Do đó, cuộc gặp với nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc trở thành cơ hội hiếm hoi để ông Biden thể hiện quyết tâm chính trị và ghi điểm với cả cử tri Dân chủ và Cộng hòa.
Theo các chuyên gia, gặp gỡ thôi là chưa đủ, ông Biden bị sức ép phải gay gắt với Trung Quốc hơn nữa. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã gửi tới Tổng thống Biden một danh sách mong muốn “diều hâu” gồm 10 điểm mà họ biết sẽ không thể chấp nhận được đối với phía Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dường như cũng đang chịu sức ép tương tự phải thể hiện vị thế mạnh mẽ trước người Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tâm lý của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc rất ảm đạm theo những quan sát và số liệu mới nhất. Hơn 20% thanh niên Trung Quốc thất nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và bắt đầu các chuỗi sụp đổ domino. Những vấn đề đó càng trở nên tồi tệ hơn khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại đang đè nặng lên nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong bức tranh ảm đạm đó, truyền thông của Trung Quốc sẽ muốn tập trung hơn vào quang cảnh của cuộc họp tại Mỹ. Theo các chuyên gia, ông Tập muốn sử dụng cuộc gặp này để cho người dân Trung Quốc thấy rằng phía Mỹ đang tôn trọng và đánh giá cao quan điểm của Trung Quốc, ngay cả khi họ khác xa với quan điểm của Washington.
Thế nhưng, dù đề cao hợp tác, sẽ không có cơ hội nào nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận những yêu sách của Washington. Một động thái hạ mình không khác nào nói rằng Bắc Kinh đã chịu khuất phục trước các sức ép của Mỹ và đồng minh.
Một cuộc gặp không khoan nhượng trong các vấn đề trọng yếu đã kết thúc với một kết quả trung lập đủ làm hai bên hài lòng: giữ cho các kênh liên lạc luôn mở. Trên truyền thông, cả Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ chẳng đạt được gì khi gia tăng căng thẳng với phía bên kia. Bởi vậy, việc cam kết sẽ duy trì các kênh đối thoại nhằm gia tăng hiểu biết lẫn nhau là cách đủ hiệu quả để Mỹ và Trung Quốc trì hoãn cho các chiến lược xa hơn của mình.
Mỹ vẫn đang tích cực theo đuổi một chiến lược tái định hình chuỗi cung ứng quan trọng nơi bóng dáng Trung Quốc mờ dần. Thời gian qua, Đông Nam Á và Mỹ Latinh đã nồng nhiệt đón chào các đoàn doanh nghiệp lớn của Mỹ và đồng minh trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ và năng lượng xanh đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Dù vậy, Mỹ cũng đang phải đau đầu khi nguồn lực bị phân tán bởi xung đột Israel - Hamas và chiến sự Nga - Ukraine.
Ở phía bên kia, Bắc Kinh cũng không ngần ngại đáp trả các lệnh cấm của phương Tây nhắm vào ngành công nghệ nước này, cho thấy Trung Quốc không còn mong đợi nhiều vào một cuộc "làm lành" với Mỹ. Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào một trật tự thế giới mới do mình hậu thuẫn với trụ cột là khối BRICS+, mà trước mắt có thể sẽ là chiến lược "phi đô la hóa" đầy tham vọng.
Bởi vậy, giới quan sát cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh này không mang nhiều ý nghĩa ngoài các hợp tác mang tính biểu tượng nhằm phục vụ các nhu cầu chính trị trong nước của mỗi bên.
Dù vậy, vẫn có những nội dung có ý nghĩa, khi cam kết trên một số lĩnh vực mới như AI cũng sẽ có ích khi mở đường cho các không gian hợp tác xa hơn giữa hai cường quốc trong vấn đề công nghệ đầy mâu thuẫn.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuong-dinh-my-trung-thanh-cong-hay-that-bai-699697.html