Thượng đỉnh NATO thận trọng trong những cam kết với Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh NATO đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng đối với tương lai và điều chỉnh cơ chế hoạt động của liên minh quân sự này. Tuy nhiên, các quyết định cũng gây thất vọng trong vấn đề 'tâm điểm' vốn được thế giới quan tâm hàng đầu, đó là tương lai gia nhập khối của Ukraine.
Những quyết định mang tính lịch sử của NATO
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong ngày 11 và 12-7 tại Thủ đô Vilnius của Litva. Các thành viên NATO đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ được mô tả “mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh”, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn cũng như tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới…
Các nhà lãnh đạo NATO tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này đều có chung đánh giá là liên minh đã đạt được bước tiến mang tính “lịch sử” với sự tham gia lần đầu tiên của thành viên thứ 31 là Phần Lan và sự “bật đèn xanh” của Thổ Nhĩ Kỳ đối với yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển… Với việc kết nạp và sẽ kết nạp trong thời gian tới thêm 2 quốc gia Bắc Âu (cách đây không lâu còn là những quốc gia trung lập), biên giới của NATO lại tiến thêm một bước dài, áp sát nước Nga từ cả phía Tây và phía Bắc. Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ khiến đường biên giới trên bộ giữa NATO và Nga dài thêm gấp đôi và biển Baltic có nguy cơ trở thành “ao nhà” của khối này. Điều này khiến Matxcơva phải tăng chi phí quân sự cho việc triển khai thêm binh sĩ ở biên giới, tăng cường các hạm đội, hiện đại hóa các cơ sở quân sự, bố trí thêm lực lượng phòng không bổ sung tại khu vực Kaliningrad và Leningrad…
Ông Andrei Kortunov - Tổng Giám đốc Hội đồng đối ngoại Liên bang Nga (RIAC) nhấn mạnh, mối lo an ninh lớn nhất của Nga chính là đà bành trướng quân sự của NATO. Phòng ngừa điều này, khi khối Hiệp ước Warszawa chấm dứt hoạt động, Nga đã đạt được với NATO một số cơ chế để kìm hãm NATO mở rộng, chẳng hạn như sơ đồ 2+4 được tiến hành trong cuộc đàm phán thống nhất nước Đức (bao gồm 2 phần nước Đức và 4 cường quốc chiến thắng phát xít Đức); hay như Hiệp ước về các lực lượng quy ước châu Âu (FCE), hạn chế bố trí xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, chiến đấu cơ hay trực thăng chiến đấu… về phía Đông của NATO. Tuy nhiên, liên minh quân sự này đã phớt lờ tất cả, thực hiện bằng được chiến lược “Đông tiến”, tạo áp lực và mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng với an ninh của Nga.
Cùng với tiếp tục “Đông tiến”, tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva, NATO đã thông qua quyết định mỗi nước thành viên liên minh phải dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho cho quân sự trong tương lai. Với ngân sách quân sự tăng thêm, các thành viên NATO có thêm tiền mua sắm trang thiết bị vũ khí, đồng thời duy trì đội quân đông đảo. Dữ liệu được cập nhật của Chỉ số Global Firepower cho thấy, các nước thành viên NATO có gần 3,4 triệu binh sĩ tại ngũ, trong đó riêng của Mỹ chiếm nhiều nhất với gần 1,4 triệu binh sĩ. Ngoài Mỹ, quân đội của 8 thành viên NATO ở châu Âu có trên 100.000 binh sĩ là Thổ Nhĩ Kỳ (425.000), Pháp (205.000), Anh (194.000), Đức (184.000), Italia (170.000), Hy Lạp (130.000), Tây Ban Nha và Ba Lan cùng có khoảng 120.000 binh sĩ.
Một động thái rất được chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh NATO là chủ đề được đưa ra thảo luận về tiến trình mở rộng hợp tác của NATO với 4 đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ việc NATO mở rộng tầm ảnh hưởng về phía Đông để hợp tác với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tuyên bố việc NATO mở rộng sang châu Á hay “bất kỳ hành động nào đe dọa quyền lợi của Trung Quốc” đều sẽ “hứng chịu sự đáp trả quyết liệt”.
Không đưa ra lộ trình đến “đích” NATO cho Ukraine
Tâm điểm được chú ý nhất tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva là vấn đề kết nạp Ukraine làm thành viên. Đây cũng là nội dung chiếm thời lượng đáng kể trên bàn nghị sự của lãnh đạo 31 quốc gia thành viên NATO. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các thành viên đã đồng ý “đưa Ukraine đến gần NATO hơn”.
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, NATO đã quyết định cắt giảm thủ tục gia nhập liên minh của Ukraine trong tương lai bằng cách loại bỏ yêu cầu Kiev phải thực hiện Kế hoạch hành động để có tư cách thành viên (MAP) như một phần trong quy trình gia nhập khối quân sự này. Theo ông Jens Stoltenberg, với việc không cần MAP, Kiev đã “tiến gần hơn đến liên minh” bởi “điều này sẽ thay đổi con đường trở thành thành viên của Ukraine từ con đường 2 bước thành con đường 1 bước”, và “đây là con đường rõ ràng hướng tới tư cách thành viên của Kiev trong NATO”.
NATO cũng đưa ra một chương trình hỗ trợ mới kéo dài nhiều năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của lực lượng vũ trang Ukraine sang các tiêu chuẩn của NATO, giúp xây dựng lại lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Ukraine, đáp ứng các nhu cầu quan trọng như nhiên liệu, thiết bị rà phá bom mìn và vật tư y tế. Các nhà lãnh đạo NATO cũng thống nhất thành lập Hội đồng NATO - Ukraine mới. Trong tuyên bố được các nhà lãnh đạo NATO đưa ra nêu rõ: “Tương lai của Ukraine nằm trong NATO”. Lãnh đạo liên minh quân sự này cũng khẳng định sẽ mời Ukraine gia nhập NATO khi các nước thành viên nhất trí và Kiev đáp ứng được các điều kiện.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và được Kiev trông đợi nhất là những điều kiện này là gì và thời điểm nào sẽ mời Ukraine gia nhập NATO thì lại không được đề cập tới. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các quốc gia thành viên NATO vẫn chưa đạt được quyết định cuối cùng về triển vọng gia nhập liên minh quân sự này của Ukraine.
Tại Hội nghị thượng đỉnh hồi năm 2008 ở Bucharest (Romania), NATO đã đồng thuận rằng, Ukraine “sẽ” trở thành thành viên và ủng hộ quá trình gia nhập. Thế nhưng đến nay đã 15 năm trôi qua, liên minh này vẫn không đưa ra cách thức và cam kết khi nào việc đó xảy ra. Điều này chẳng khác trao cho Ukraine một điểm đến nhưng không có lộ trình. Rõ ràng các thành viên NATO vẫn đang mâu thuẫn trong việc kết nạp Ukraine. Một số quốc gia ủng hộ nhiệt thành nhất như Ba Lan và các nước Baltic tìm cách gia tăng áp lực đối với các thành viên còn lại, song quan trọng nhất là những “ông lớn” (bao gồm Mỹ, Đức…) lại thận trọng trong việc đưa ra quá nhiều cam kết với Ukraine. Điều này được giới quan sát cho rằng là bởi lo ngại về việc NATO bị kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga - quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân hùng hậu.
Trong động thái được cho là nhằm “xoa dịu” Kiev, các thành viên thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO đã đưa ra cam kết hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine, nhấn mạnh rằng an ninh của Ukraine gắn liền với an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Theo đó, các nước G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên không và trên biển, trong đó ưu tiên lĩnh vực phòng không, pháo binh, hỏa lực tầm xa, xe bọc thép... giúp Ukraine duy trì lực lượng lâu dài trong cuộc xung đột quân sự với Nga hiện nay cũng như trong tương lai.
Cho dù đã “dịu giọng” khi cho rằng Hội nghị thượng đỉnh NATO đã cung cấp cho Ukraine một nền tảng an ninh chưa từng đạt được trước đây và đưa nước này vào con đường trở thành thành viên của liên minh, song Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khiến một số thành viên NATO “tức giận” khi chỉ trích liên minh này không đưa ra mốc thời gian để kết nạp Ukraine. Có thể thấy “tâm điểm” Ukraine đã thất vọng thế nào về điều được trông đợi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO.