Thương hiệu nội ngoại chìm nổi theo chuỗi cà phê và ẩm thực

Sau suy kiệt bởi 2 năm đại dịch Covid, thị trường thực phẩm – đồ uống (F&B) đang tiếp tục chứng kiến việc đóng cửa hàng hàng loạt hoặc thay đổi nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người thắt chặt chi tiêu…

Đáng chú ý là thương hiệu ngoại như Auntie Anne’s (Mỹ), Mellower Coffee (Trung Quốc),… gần đây đã nối đuôi những thương hiệu cà phê nước ngoài trước đó rời bỏ thị trường 100 triệu dân này.

Cửa hàng cà phê Gloria Jean’s Coffees góc đường Pasteur – Lê Lợi (quận 1, TPHCM). Ảnh: L. Hoàng

Cửa hàng cà phê Gloria Jean’s Coffees góc đường Pasteur – Lê Lợi (quận 1, TPHCM). Ảnh: L. Hoàng

Đóng cửa và đổi chủ hàng loạt

Gần hai năm trước, nhiều người đi ngang qua góc đường Pasteur – Lê Lợi (quận 1, TPHCM) khá bất ngờ khi thấy thương hiệu cà phê nổi tiếng của Úc Gloria Jean’s Coffees xuất hiện trở lại sau 4 nằm rút khỏi thị trường Việt Nam và đã thay đổi nhà đầu tư nhượng quyền thương hiệu nhiều lần trước đó.

Vị trí này trước đây là địa điểm kinh doanh của thương hiệu kem Bạch Đằng nổi tiếng tại TPHCM, nhưng sau đợt Covid-19 bùng phát, thì cà phê Gloria Jean’s Coffees vào thay thế.

Mọc lên ngay ở vị trí khá đắc địa của khu vực trung tâm thành phố với cửa hàng lớn, có thiết kế khá bắt mắt nhưng giờ đây cửa hàng Gloria Jean’s Coffees tiếp tục thay nhà đầu tư mới từ Nova F&B, một thành viên của NovaGroup.

Không chỉ cửa hàng cà phê Gloria Jean’s Coffees, loạt cửa hàng cà phê, nhà hàng nổi tiếng khác do Nova F&B nhận nhượng quyền hoạc tự phát triển như Jumbo Seafood, Sushi Tei,… giờ đã thuộc quyền quản lý và khai thác của chủ mới là một doanh nghiệp Singapore.

Điều này cũng lý giải phần nào khi mà một số quán và nhà hàng thuộc Nova F&B gần đây cũng đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng kinh doanh. Đơn cử hai “đứa con” của Nova F&B ngay khu vực Hồ Con Rùa (quận 3) gồm cà phê PhinDeli và SaiGon Casa đồng loạt thông báo đóng cửa chi nhánh vào cuối tháng 5 vừa qua.

Ở một diễn biến khác, cùng thời điểm này, mặt bằng khu vực Hồ Con Rùa cũng chứng kiến nhiều cuộc rút lui của các thương hiệu cà phê, gồm cả thương hiệu Passio, Chuk Chuk,…

Hay thương hiệu bánh của Mỹ Auntie Anne’s hồi đầu tháng 6 này cũng chính thức công bố dừng hoạt động tại Việt Nam chỉ sau 4 năm có mặt. Cụ thể fanpage thương hiệu bánh của xứ cờ hoa Auntie Anne’s đăng thông báo dừng hoạt động tất cả các cửa hàng tại Việt Nam kể từ ngày 1-6-2023.

Auntie Anne’s lúc khai trương ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Fanpage của thương hiệu ở Việt Nam

Auntie Anne’s lúc khai trương ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Fanpage của thương hiệu ở Việt Nam

Dù không giải thích lý do vì sao nhưng giới quan sát cho rằng trải qua 2 năm đại dịch, cộng thêm kinh tế khó khăn hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều thương hiệu cả trong và ngoài nước.

Trước đó, thương hiệu cà phê nổi tiếng của Trung Quốc Mellower Coffee cũng đã tuyên bố đóng cửa hoạt động tại Việt Nam chỉ sau bốn năm có mặt trên thị trường.

“Với trái tim nặng trĩu, chúng tôi phải chia sẻ với các bạn, Mellower Coffee đã không thể tiếp tục hoạt động tại Việt Nam”, Mellower Coffee viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Thương hiệu cà phê này đã có mặt ở một số quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Tại Việt Nam, Mellower Coffee gia nhập thị trường vào năm 2019, tại tầng một của tòa nhà văn phòng sang trọng hàng đầu TPHCM Deutsches Haus trên đường Lê Duẩn (quận 1).

Tiếp đó, thương hiệu mở thêm chi nhánh tại vị trí đắc địa tại tòa nhà The Metropolitan (quận 1), thay thế cho cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf.

Café Saigon La Poste, Mc Donald’s (kế tòa nhà Bưu điện trung tâm thành phố) hay Cafe Central Villa Pasteur sở hữu mặt bằng vàng tại quận 3… cũng đóng cửa cài then.

Hay gần đây nhất, ông lớn chuỗi cà phê Nhật Bản % Arabica đã thông báo về việc trả lại mặt bằng tại Diamond Plaza (quận 1) ngay cả khi chưa kịp khai trương.

“Sau tất cả phản hồi của các bạn kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là nói lời tạm biệt với cửa hàng tại Diamond Plaza. Thay vào đó, % Arabica đang tập trung vào việc mang đến trải nghiệm cà phê lớn hơn và tốt hơn cho bạn”, đại diện thương hiệu Nhật Bản thông tin đến khách hàng về việc đóng cửa chi nhánh thứ 2 của mình.

Các nhà hàng, quán ăn món Nhật Bản đóng cửa nhưng giờ đây vẫn chưa có khách thuê. Ảnh: Hùng Lê

Các nhà hàng, quán ăn món Nhật Bản đóng cửa nhưng giờ đây vẫn chưa có khách thuê. Ảnh: Hùng Lê

Đáng chú ý là các chuỗi nhà hàng món ăn Nhật Bản sau càn quét của đại dịch Covid đến giờ vẫn còn dư âm khi các mặt bằng kinh doanh của các nhà hàng ở các vị trí đắc địa này vẫn chưa có khách thuê, giờ được phủ kín bởi các tấm bảng rao vặt tìm khách thuê mặt bằng.

Chuyện thoái lui tại Nova F&B

Gần đây câu chuyện hệ thống chuỗi nhà hàng và thức uống của NovaGroup về tay một doanh nghiệp Singapore thu hút sự chú ý của nhiều người. Bởi dù mới thành lập được thời gian ngắn nhưng Nova F&B đã phát triển khá nhanh.

Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng cũng giống cách các tập đoàn lớn mở rộng đa ngành, Nova F&B nhanh chóng vượt lên nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái dân cư tại những dự án của Novaland.

Điểm đáng chú ý là trong khoảng 3 năm qua, Nova F&B liên tục mở rộng quy mô bằng cách tự phát triển hoặc mua lại nhiều thương hiệu lớn ở trong nước và quốc tế để mở kinh doanh ở những vị trí đắc địa, ngay cả thị trường chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch.

Trước thương vụ bán mình nói trên, Nova F&B có 46 cửa hàng đang hoạt động với 18 thương hiệu. Nhiều thương hiệu trong số đó do doanh nghiệp này tự xây dựng như Dynasty House, Mojo Boutique Coffee, Shri Restaurant & Lounge… Một số khác như Jumbo Seafood, Sushi Tei, Gloria Jean’s Coffees được phát triển thông qua hợp đồng nhượng quyền thương hiệu.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này cũng tăng cao qua các năm nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp. Đó là từ mức 34% năm 2019, đến năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Nova F&B đạt hơn 65%. Con số này được đánh giá là khá cao.

Tuy nhiên, giới quan sát nhìn nhận thương vụ thoái lui mảng F&B này không gây bất ngờ trong bối cảnh NovaGroup tái cấu trúc nhằm tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

Bởi lẽ để tiếp tục cuộc chơi, doanh nghiệp này sẽ phải tiếp tục rót thêm nhiều vốn để mua lại và phát triển hàng loạt thương hiệu, cũng như trả tiền thuê các mặt bằng vốn rất cao.

Bên cạnh đó, NovaGroup cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện để tập trung nguồn lực cho các mảng kinh doanh cốt lõi. Trong đó, Nova Consumer là khởi đầu của tập đoàn. Còn Novaland đang là một trong những công ty bất động sản lớn trong nước và đã được lãnh đạo Tập đoàn này xác định là mảng kinh doanh cốt lõi của NovaGroup trong thời gian tới.

Do đó, việc rút lui dần khỏi các ngành dịch vụ, vốn chỉ được phát triển sau này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khép kín, được cho là nước đi cần thiết trong bối cảnh tập đoàn này gặp khó khăn về thanh khoản từ nửa cuối năm 2022 đến nay.

Sau khi về tay chủ mới, đơn vị này sẽ được đổi tên thành IN Dining, dưới sự quản lý vận hành của IN Holdings – chủ sở hữu các trung tâm hội nghị tiệc cưới lớn GEM Center, White Palace. Đến nay, các bên chưa tiết lộ kế hoạch kinh doanh cụ thể trong thời gian tới cho IN Dining.

Phần lớn thua lỗ, không hiệu quả…

Thương hiệu cà phê nổi tiếng của Trung Quốc Mellower Coffee cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam sau 4 năm có mặt.

Thương hiệu cà phê nổi tiếng của Trung Quốc Mellower Coffee cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam sau 4 năm có mặt.

Việc thu hẹp kinh doanh, thay đổi chủ đầu tư, thậm chí là đóng cửa rút khỏi thị trường ở mỗi thương hiệu, chuỗi cửa hàng, quán ăn, nhà hàng đều có lý do riêng và tùy theo mô hình hoạt động, chiến lược của doanh nghiệp. Tuy nhiên tựu chung phần lớn là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài,…

Đáng chú ý là chuỗi cà phê và ẩm thực của các thương hiệu ngoại. Câu chuyện các thương hiệu F&B ngoại đến khai thác thị trường qua các chương trình quảng bá rình rang lúc mới đến, rồi một thời gian sau đó ngậm ngùi lặng lẽ rút lui vì thua lỗ không phải là ít.

Với dân số gần 100 triệu dân, đa số là người trẻ và nền kinh tế đang phát triển ổn định, Việt Nam được các thương hiệu đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, cứ mang cả mô hình ở bản xứ vào thị trường Việt Nam kinh doanh chưa hẳn là thành công.

Trước thời điểm Mellower Coffee ra đi trong lặng lẽ, những chuỗi cà phê phong cách ngoại như Gloria Jean’s, New York Dessert Coffee hay The Coffee Bean & Tea Leaf,… đều đã gặp thất bại hoặc phải thu hẹp kinh doanh.

New York Dessert Coffee với các cửa hàng có vị trí đẹp, phong cách “Tây” và giá cả đắt đỏ cũng đã thu hút giới trẻ Việt ngay từ khi ra mắt, nhưng dần hụt hơi và buộc phải đóng cửa vào năm 2016, chấm dứt hành trình gần 10 năm tại Việt Nam.

Hay The Coffee Bean & Tea Leaf cũng buộc phải thu hẹp hoạt động. Thậm chí, ngay cả thương hiệu tiếng tăm trên thế giới như Starbucks khi về Việt Nam cũng phải chật vật để tìm chỗ đứng…

Có thể thấy các cửa hàng sang chảnh với thực đơn đắt đỏ dường như chưa thể đủ sức để trụ được trên thị trường ngay cả khi các thương hiệu này tập trung vào giới trẻ, nhóm người dùng luôn sẵn sàng cho sự thay đổi.

Theo một nhà kinh doanh trong ngành cà phê, không phải cứ đem thương hiệu nổi tiếng hay lâu năm của nước ngoài vào Việt Nam là sẽ thành công. Ngoài chi phí thuê mặt bằng cao, việc kinh doanh cửa hàng cà phê của các thương hiệu ngoại còn phải đối diện với “gu” cà phê, ẩm thực khác biệt của người tiêu dùng trong nước. Và để kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam, không chỉ cần một thương hiệu mạnh mà đôi khi còn phải nắm rõ cả truyền thống và văn hóa ở nơi đây.

Người đầu tiên đưa Gloria Jean’s Coffees vào Việt Nam cũng từng nhận định việc đưa thương hiệu nước ngoài vào hoạt động ở trong nước không hề dễ dàng. Nếu “bê nguyên xi” mô hình áp dụng cho Việt Nam thì sẽ không thành công…

Đuối sức để duy trì…

Một thương hiệu đồ uống trong hệ sinh thái F&B của Nova Group cũng rút khỏi mặt bằng đắt đỏ tại công trường Quốc Tế. Ảnh: TL

Một thương hiệu đồ uống trong hệ sinh thái F&B của Nova Group cũng rút khỏi mặt bằng đắt đỏ tại công trường Quốc Tế. Ảnh: TL

Tuy nhiên, không chỉ là các thương hiệu ngoại hoặc các quán cao cấp, tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng ẩm thực nhà hàng, ăn uống nói chung đang trong bối cảnh khó khăn do suy thoái kinh tế.

Theo các chuyên gia trong ngành F&B, kinh doanh nhà hàng có những thay đổi quá nhanh trong thời gian qua. Từ năm 2022, sau Covid-19, thị trường F&B bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng, gần như nhà hàng nào cũng đông khách, phải đặt bàn trước…

Thế nhưng sang quí cuối năm 2022, đáng lẽ vào mùa lễ hội, chi tiêu cho ăn uống ngoài phải tăng do dịp doanh nghiệp tổng kết cuối năm, người dân đi du lịch… Thế nhưng, ghi nhận cho thấy, doanh số các nhà hàng giảm sút trầm trọng từ đó đến nay.

Theo chủ một cửa hàng cà phê và nước giải khát ở quận 3, tình hình doanh thu từ đầu năm đến nay bị sụt giảm gần 30%, khó có thể đủ trang trải cho tiền thuê mặt bằng và nhân viên phục vụ. “Chúng tôi cũng áp dụng các hình thức khuyến mại hoặc ưu đãi khách mua 1 thức uống, tặng 1 bánh ngọt cũng không đẩy được lượng khách tăng lên”, ông chủ cửa hàng nói.

Còn bà N.P, một cổ đông của nhà hàng món ăn Nhật Bản trên đường Hoa Phượng (quận Phú Nhuận) thì lo lắng về sự tồn tại của nhà hàng khi các cổ đông đã nỗ lực mọi cách từ khâu tiếp thị, khuyến mại cũng như cắt giảm mọi chi phí có thể, nhưng hơn 200 triệu đồng doanh thu mỗi tháng chỉ vừa đủ góm gém cho các khoản chi để vận hành nhà hàng gồm mặt bằng, đầu bếp, nhân viên phục vụ bàn, điện nước…

Bà Hằng Nguyễn, Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp cung cấp gas lớn tại TPHCM, cũng chia sẻ khách hàng kinh doanh nhà hàng, quán ăn trong nửa đầu năm nay giảm lượng gas tiêu thụ khá lớn lên hơn 30%. “Chưa từng thấy tình hình doanh nghiệp và cả người tiêu dùng khó khăn như hiện nay”, bà Hằng nói, và cho biết một vài khách là nhà hàng của công ty bà đã phải đóng cửa kinh doanh do hoạt động thua lỗ.

Rõ ràng, sự khốc liệt của thị trường F&B Việt Nam và khó khăn nói chung của thời cuộc, đã khiến mỗi bước đi của nhà kinh doanh thật vững chắc hơn.

Tuy nhiên, sự thoái lui của một số nhãn hàng cũng được cho là nằm trong chiến lược kinh doanh. Đại diện Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills TPHCM cho rằng đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi hoặc do làn sóng thay đổi để thích nghi của các nhà hàng diễn ra nhanh chóng (do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi), việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa cũng là điều có thể nhìn thấy.

Riêng đối với F&B, vòng đời của một thương hiệu trong ngành thường không quá dài. Các nhãn hàng luôn phải chủ động cải tiến, sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng thì mới có thể phát triển bền vững.

Theo báo cáo “Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022” thực hiện bởi iPos.vn, VIRAC và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam, cả nước hiện có gần 338.600 nhà hàng và quán cà phê.

Theo dự báo của nhóm phân tích, mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều sức ép, tuy nhiên, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 18%, đạt 720.300 tỉ đồng. Sau khi hồi phục sau đại dịch, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị gần 1 triệu tỉ đồng vào năm 2026.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-hieu-noi-ngoai-chim-noi-theo-chuoi-ca-phe-va-am-thuc/