Thương hiệu ô tô Hồng Kỳ - niềm tự hào của người dân Trung Quốc
Hồng Kỳ (Hongqi), thương hiệu xe được ví là Rolls-Royce của Trung Quốc, là một biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc và cũng là dòng xe được sử dụng cho các sự kiện lớn cấp quốc gia tại Trung Quốc.
Kể từ khi ra đời vào năm 1958, Hồng Kỳ đã giành được nhiều lời khen ngợi từ người tiêu dùng trong và ngoài nước nhờ thiết kế độc đáo, hiệu suất vượt trội và ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đến nay, đây là một trong những thương hiệu xe có lịch sử phát triển lâu đời nhất và là niềm tự hào dân tộc của đất nước tỷ dân.
Hồng Kỳ là hãng xe trực thuộc hãng Faw Car – công ty con của tập đoàn Faw Group của Trung Quốc. Năm 1958, mẫu xe đầu tiên của Hồng Kỳ ra đời theo mong muốn của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Năm 1959, theo chiếc xe nguyên mẫu đầu tiên, sau 5 lần sản xuất thử nghiệm và cải tiến thiết kế, Hồng Kỳ đã đưa vào sản xuất hàng loạt. Tháng 9-1959, lô đầu tiên gồm hơn 30 xe Hồng Kỳ và 2 xe duyệt binh đã được gửi đến Bắc Kinh. Vào ngày 1-10-1959, chiếc sedan Hồng Kỳ lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn trong lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 10 của Trung Quốc. Sự xuất hiện của xe Hồng Kỳ mang lại niềm tự hào dân tộc chưa từng có cho người dân Trung Quốc. Khi đó, chiếc xe này chỉ dành cho các cơ quan nhà nước và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thường được sử dụng trong các sự kiện lớn của đất nước.
Đến năm 1965, mẫu sedan 3 hàng ghế Hồng Kỳ CA770 đã được sản xuất thử nghiệm thành công, được các lãnh đạo nhà nước và khách nước ngoài biết đến. Mẫu xe này được sản xuất hàng loạt trong những năm 1960 và 1970 với hai cấu hình khác nhau của các mô hình phụ, đó là CA770A và CA770B.
Năm 1969, mẫu xe an ninh của Hồng Kỳ đầu tiên được sản xuất thử nghiệm thành công, hãng cũng cho ra mắt xe an ninh chống đạn đặc biệt có tên Hồng Kỳ CA772.
Trong những năm tiếp theo, Hồng Kỳ bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng. Đến năm 1981, mẫu sedan Hồng Kỳ bị ngừng sản xuất do các vấn đề như tiêu thụ nhiều nhiên liệu, giá thành cao và sản lượng thấp.
Năm 2008, dự án “hồi sinh Hồng Kỳ” của FAW được khởi động.
Vào năm 2018, thương hiệu Hồng Kỳ đã phát hành một chiến lược và khái niệm thiết kế mới, dẫn đến sự gia tăng doanh số trên thị trường và dần dần hiện thực hóa xuất khẩu toàn cầu.
Trong những thành công của Hồng Kỳ không thể không kể đến việc được chọn làm nhà sản xuất ra chiếc xe chuyên chở Chủ tịch Trung Quốc. Trong đó có chiếc limousine Hồng Kỳ L5 được ra mắt lần đầu tiên năm 2013 và trở thành chiếc xe biểu tượng quyền lực dành cho các chính khách Trung Quốc.
Lần đầu tiên Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang theo ô tô do Trung Quốc sản xuất ra nước ngoài là trong chuyến thăm cấp nhà nước tới New Zealand vào năm 2014.
Mới đây, trong chuyến công du Mỹ, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang theo chiếc limousine bọc thép Hồng Kỳ N701 tới cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden. Chiếc Hồng Kỳ N701 có chiều dài khoảng 5,5m, được phát triển từ mẫu Hồng Kỳ L5. Chiếc xe này sử dụng bộ bánh 21 inch, lắp kính chống đạn và bọc thép toàn bộ thân xe. Động cơ được cho là loại V12 dung tích 6.0L, công suất 408 mã lực.
Ngoài nhiệm vụ là "đôi chân" của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, xe Hồng Kỳ còn phục vụ nhiều nguyên thủ quốc gia khác khi họ đến thăm Trung Quốc. Xe Hồng Kỳ liên tiếp xuất hiện trong các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước của Trung Quốc như Diễn đàn kinh tế Á-Âu, các cuộc họp APEC, hội nghị thượng đỉnh G20...
Trong những năm gần đây, các mẫu xe Hồng Kỳ lần lượt được ra mắt, không chỉ được thị trường thừa nhận mà còn định hình một thương hiệu quốc gia. Cho đến nay, thương hiệu Hồng Kỳ đã có mặt tại các thị trường như châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á và được người dùng đón nhận nồng nhiệt. Người phụ trách kinh doanh ở nước ngoài của FAW cho biết, Hồng Kỳ đã có mặt tại 24 quốc gia và khu vực bao gồm cả Ả Rập Saudi, Na Uy và Hà Lan. Các kênh bán hàng thể hiện hiệu quả hình ảnh thương hiệu sản xuất cao cấp của Trung Quốc. Dòng xe này cũng đã trở thành thương hiệu xe du lịch đầu tiên của Trung Quốc có giá trị vượt 100 tỷ NDT.
KIM GIANG (theo Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo, China News)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tếxem các tin, bài liên quan.