Thương hiệu quốc gia- Kiến tạo tương lai cho doanh nghiệp

Có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được ví như 'tấm lệnh bài' giúp tăng uy tín, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Lần đầu tiên doanh nghiệp được vinh danh tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, ông Đinh Hữu Thạnh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong với thương hiệu Bee Logistics- cho rằng, đây là niềm vui và niềm tự hào. Niềm vui này được nhân lên đáng kể khi Bee Logistics là một trong tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia xét chọn- một con số không hề nhỏ.

Tham gia xét chọn với sản phẩm dịch vụ được nhận định khó đánh giá hơn các sản phẩm hữu hình, Bee Logisstic đã rất nỗ lực để chứng minh bản thân. “Chúng tôi đã nỗ lực giải trình, đưa ra các minh chứng rõ ràng nhất về giá trị mà doanh nghiệp đang có, từ đó mang về những “điểm” quý giá cho mình”, ông Đinh Hữu Thạnh chia sẻ. Đồng thời cho biết, Thương hiệu Quốc gia sẽ minh chứng cho uy tín, để từ đó doanh nghiệp vươn cánh rộng hơn nữa, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường.

Bày tỏ niềm tự hào khi sản phẩm của doanh nghiệp lần thứ 2 được công nhận thương hiệu quốc gia, ông Đoàn Hùng Sơn – Phụ trách Marketing – Tổng Công ty Chè Việt Nam-CTCP với thương hiệu Vinatea- cho rằng, đây là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực lớn bởi tiêu chí của ban tổ chức ngày một cao hơn qua mỗi lần tổ chức.

Đạt thương hiệu quốc gia là vinh dự lớn không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được. Để giữ vững, trong tương lại doanh nghiệp sẽ cải thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để ngày càng đáp ứng yêu cầu thị trường, giữ và mở rộng tệp khách hàng”- ông Đoàn Hùng Sơn nói. Đồng thời thông tin, sản phẩm của doanh nghiệp hiện đã xuất khẩu sang Trung Đông, Bắc Âu, Mỹ… nhưng số lượng sản phẩm xuất khẩu bằng chính thương hiệu Vniatea chưa nhiều, đây nhược điểm doanh nghiệp sẽ khắc phục trong thời gian tới.

 Tổng Công ty chè Việt Nam- CTCP với thương hiệu Vinatea có sản phẩm 2 lần được xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Tổng Công ty chè Việt Nam- CTCP với thương hiệu Vinatea có sản phẩm 2 lần được xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Dù là lần đầu tiên hay là đã nhiều lần có sản phẩm được công nhận, Thương hiệu Quốc gia luôn được các doanh nghiệp trân trọng và coi như “tấm lệnh bài” khẳng định uy tín và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tạo đà vươn ra thị trường thế giới

Cộng đồng doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã và đang đóng góp không nhỏ cho sức phát triển kinh tế và ổn định xã hội của đất nước. Tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và nêu ra những con số thuyết phục: 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính còn cho rằng, cùng với sự phát triển và khẳng định uy tín của sản phẩm, của doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thương hiệu quốc gia thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh.

Theo tổ chức Brand Finance, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).

Bên cạnh sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước.

Mối quan hệ tương hỗ giữa Thương hiệu Quốc gia và doanh nghiệp đã rõ ràng. Tuy nhiên, như lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải- Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Chương trình không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp giữ vững Thương hiệu Quốc gia đã đạt được, biến yếu tố này thành cơ hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Tiếp tục theo đuổi các tiêu chí của chương trình “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”, nỗ lực hơn nữa để ngày càng xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu, là đại diện cho Thương hiệu Quốc gia; đồng thời, xứng đáng với niềm tin, sự yêu mến, kỳ vọng của người tiêu dùng trong nước, ngoài nước.

Với nỗ lực cao trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-hieu-quoc-gia-kien-tao-tuong-lai-cho-doanh-nghiep-225662.html