Thương hiệu Quốc gia Việt Nam xếp hạng 32 thế giới

Ngày 16-4, Bộ Công Thương tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025

Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.

Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỉ USD, xếp hạng 32 thế giới - tăng 1 bậc so với năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà chúng ta đã kiên định theo đuổi.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.

"Diễn đàn năm nay với chủ đề "Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo" tiếp tục khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia thời kỳ mới" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá.

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh - sạch - thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó trưởng Ban-Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh đổi mới, sáng tạo là yếu tố then chốt tạo dựng thương hiệu mạnh và khác biệt trên thị trường toàn cầu.

Ông Hoàng Minh Chiến dẫn báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023 cho thấy 0,4% GDP là mức đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam, trong khi các nước như Thái Lan là 1,3%, Singapore là 2,2%, Malaysia là 1%, Trung Quốc 2,64%, Nhật Bản 3,7%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia.

Từng thời kỳ, cách tiếp cận trong xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia có thể thay đổi, nhưng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng và là yếu tố tích cực hiệu quả tạo nên thương hiệu quốc gia.

"Đổi mới sáng tạo vừa là thách thức, vừa là cơ hội quyết định sự thịnh vượng của doanh nghiệp, của quốc gia" - ông Hoàng Minh Chiến cho biết.

Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-xep-hang-32-the-gioi-19625041614001004.htm