Thương hiệu quốc gia - xuất hiện thêm nhiều tên tuổi nổi tiếng
Trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.
Ngày 17/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức họp giới thiệu và cung cấp thông tin về Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 năm 2020 sẽ được tổ chức vào tối 25/11 tới tại Nhà hát lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập, từ rất sớm Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu.
Vì vậy, từ năm 2003, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Điều này thể hiện rõ quyết tâm, điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đặc biệt, chương trình cũng khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đáng lưu ý, đây không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình.
Mặc dù Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu ra thế giới.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 17 năm, chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường thông qua 3 tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”.
Đồng thời, thông qua các hoạt động quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt; tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, đóng góp vào những thành quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia không thể không kể tới sự đồng hành, chung tay tích cực của các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung - mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng vị thế cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương. Vì vậy, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kỳ xét chọn sản phẩm năm nay diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là khi dịch COVID-19 bùng phát phức tạp và khó lường, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhờ truyền thông tích cực để nâng cao nhận thức về Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nói chung và kỳ xét chọn năm 2020 nói riêng, Cục Xúc tiến Thương mại đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm tích cực của trên 1.000 doanh nghiệp trong cả nước nộp hồ sơ và đăng ký tham gia chương trình.
Theo ông Vũ Bá Phú, sau hơn 9 tháng phát động và triển khai, ngày 29 tháng 9 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020.
Năm 2020, Chương trình ghi nhận số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018 (97 doanh nghiệp).
Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp mới tham gia chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh với 39 doanh nghiệp, chiếm 31,4% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, kết quả năm nay tiếp tục ghi nhận con số đáng tự hào, đó là 17 doanh nghiệp đã có 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.
Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trải dài trên 15 ngành hàng khác nhau, đến từ 25 tỉnh thành thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Chia sẻ thêm về điểm mới của kỳ xét chọn lần thứ 7 năm 2020, ông Vũ Bá Phú cho rằng không thể không nhắc đến sự tham gia lần đầu của một số thương hiệu có tiếng trên thị trường như VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan…
Hơn nữa, chương trình năm nay đã thu hút được một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty thiết bị điện Việt Nam – GELEX, Tập đoàn BRG…
Những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… của các doanh nghiệp tham gia năm nay đã làm nên sự đa dạng cho chương trình, càng chứng tỏ hơn nhận thức của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau về tầm quan trọng của thương hiệu đã được nâng cao.
Ông Vũ Bá Phú cũng kỳ vọng, việc đổi mới các quy định, chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cùng với những hoạt động hỗ trợ cụ thể đang và sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho chương trình để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng như góp phần xây dựng hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Đức Minh – Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare cho hay, khi làm hồ sơ tham gia xét chọn theo Chương trình Thương hiệu quốc gia, Nutricare đã tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng; trong đó có 3 tiêu chí xét chọn quan trọng nhất là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. 3 tiêu chí này, thật trùng hợp, giống với cương lĩnh phát triển mà Nutricare đặt ra và luôn hướng tới.
Do đó, năm 2018, khi lần đầu tiên sản phẩm Nutricare đạt Thương hiệu quốc gia và năm nay lần thứ 2 liên tiếp Nutricare là 1 trong 124 doanh nghiệp có mặt trong danh sách xét chọn này.
Vinh dự được công nhận 5 sản phẩm gồm gối cổ, gối lưng, ghế ngồi, ghế nằm và đệm ngồi DOCTORLOAN, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan – người sáng lập Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Ngân Hà khẳng định, mang trên mình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp Ngân Hà nhận thức rõ trách nhiệm và sẽ nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu đưa ra những sáng chế, sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt, để khẳng định vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và vươn xa hơn trên trường quốc tế./.