Thương hiệu sản phẩm đối với HTX: 'Cầm vàng đừng để vàng rơi'

Trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu cần đi liền với bảo vệ thương hiệu mới có thể giúp các HTX, doanh nghiệp nhỏ có chỗ đứng trên thị trường và tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Hà Nội, nhắc lại câu chuyện vào năm 2008, có doanh nghiệp vướng một lô sữa nhiễm Melamine thô nhưng mất tới hàng trăm tỷ vì thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này chẳng khác nào đơn vị sản xuất kinh doanh đã "cầm được vàng nhưng lại để vàng rơi".

"Nút thắt" từ khâu nhập nguyên liệu

Do đó, chú trọng thương hiệu trên nền sản phẩm an toàn là vấn đề được ông Nguyễn Thành Trung lưu ý trong suốt quá trình hình thành và phát triển để giúp HTX, doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu thuận lợi hơn.

Hiện, Luật An toàn thực phẩm ngoài yêu cầu khâu sơ chế chế biến phải đảm bảo an toàn thực phẩm thì còn quy định doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về những gì mình công bố.

Tuy nhiên, theo thống kê, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Hà Nội đến nay đã nhận 14.000 bộ hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm nhưng vẫn còn 4% sản phẩm vi phạm chất bảo quản hàn the, kim loại nặng…

Trong khi đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM thông tin, tính đến cuối năm 2023 có 180.000 hồ sơ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tự công bố chất lượng nhưng mới chỉ có khoảng 45% hồ sơ đáp ứng yêu cầu.

Như vậy, có thể thấy, hiện đã có những HTX, cơ sở sản xuất quan tâm đến vấn đề đảm bảo chất lượng để phát triển thương hiệu, nhưng cũng còn không ít đơn vị chưa thực sự chú trọng.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm là cả một quá trình đối với HTX, doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm là cả một quá trình đối với HTX, doanh nghiệp.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết vẫn còn tình trạng HTX, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, nông sản từ các tỉnh, địa phương khác, thậm chí là nhập khẩu sau đó sơ chế, chế biến, đóng gói và xuất khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề khó quản lý chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, nên khó nâng cao thương hiệu sản phẩm.

Điều này có nghĩa, doanh nghiệp, HTX chưa quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm làm ra nhưng nguồn gốc, nguyên liệu như thế nào thì nhiều HTX, doanh nghiệp chưa rõ, không chứng minh được.

Đáng chú ý, hiện có những thương hiệu rất nổi tiếng nhưng nhiều HTX chưa khai thác tốt nên không thể làm nổi bật chất lượng sản phẩm. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Hà Nội dẫn chứng, thương hiệu gà đồi Ba Vì (Hà Nội) đã được HTX quan tâm nhưng khi ghi tên thương hiệu này trên bao bì thì rất nhỏ, chưa nổi bật, còn sản phẩm OCOP thì HTX ghi quá dài trong khi đây cũng chỉ là một chứng nhận sản phẩm.

Hay thương hiệu sữa trắng Ba Vì (Hà Nội), nhiều HTX chưa nêu được điểm khác biệt, độc đáo so với thương hiệu sữa Ba Vì nên dù đã có sản phẩm đưa ra thị trường nhưng rất khó thu hút được nhiều khách hàng, đơn vị phân phối.

Nâng kỹ năng, giúp HTX tiếp cận thị trường ngách

Có thể thấy, thương hiệu sản phẩm không đơn thuần chỉ nằm ở phần bao bì, nhãn mác mà được tạo nên từ cả một quá trình, ngay cả từ khâu hình thành nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến công bố chất lượng sản phẩm, quảng bá, marketing…

Dù đã có ý thức trong việc xây dựng thương hiệu, nhưng ông Vũ Bá Phú cho rằng không ít HTX và doanh nghiệp nhỏ vẫn còn những hạn chế nhất định nên có thể chưa nhận thức rõ vai trò của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Điều đó khiến những HTX, doanh nghiệp này chưa có kế hoạch về quảng bá, marketing bài bản để bảo vệ, phát triển thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng, bảo hộ thương hiệu sao cho hiệu quả.

Trong khi đó, đã bước chân vào con đường sản xuất kinh doanh trên thị trường, đặc biệt là khi tham gia xuất khẩu, buộc HTX phải tuân thủ đầy đủ tính pháp lý, từ giấy chứng nhận nguyên liệu sản phẩm, giấy đăng ký kinh doanh, giấy tự công bố chất lượng sản phẩm…

Và một trong những điều nhận thấy rõ nhất là để đảm bảo được tính pháp lý, nâng cao được thương hiệu thì chất lượng sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Chất lượng sản phẩm cao thì giá trị thương hiệu được khẳng định và có chỗ đứng trên thị trường.

Do vậy, dưới góc độ là một đơn vị kinh tế tập thể, chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang) cho rằng các HTX cần có sự đầu tư đúng đắn và cam kết lâu dài với những sản phẩm bán trên thị trường.

Muốn vậy, HTX cần tìm hiểu thị trường, lắng nghe khách hàng và không ngừng đổi mới, đa dạng sản phẩm theo quy trình bền vững. HTX nên khéo léo đưa những giá trị bản sắc văn hóa Việt để kể câu chuyện sản phẩm của mình cho bạn bè quốc tế thay vì chỉ chạy theo xu hướng.

Ông Bùi Quang Nguyên, Trưởng phòng Thể chế và Phát triển Chuỗi giá trị,Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp, cho biết thị trường đang chú trọng đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm thực vật, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm ít chất bảo quản, sản phẩm có giá trị văn hóa truyền thống… Nếu các HTX chú trọng đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này thì cơ hội tiêu thụ cao.

Do đó, HTX cần sản xuất với quy trình tốt - an toàn, thực hiện bảo quản chế biến với quy trình, công nghệ hiện đại, phù hợp, có áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cụ thể.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều HTX vẫn còn thiếu kỹ năng, khó hoàn thiện các chứng nhận liên quan đến yêu cầu thị trường. Ví dụ, quy định về bao gói sản phẩm theo Nghị định 111/2021/ NĐ-CP cũng chưa được chú trọng, như yêu cầu về đưa thông tin, giá trị dinh dưỡng chưa đảm bảo theo yêu cầu. Trong khi theo Điều 5 Thông tư 25/2019/TT-BYT, đơn vị sản xuất cần đưa thêm các chỉ tiêu về năng lượng, chất béo, natri, chất đạm… trên bao bì.

Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ trong chứng nhận, phân tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm cho thị trường ngách để tăng cơ hội cho các mô hình kinh tế tập thể.

Đặc biệt, một sản phẩm được sơ chế đóng gói ngoài áp dụng khoa học công nghệ thì còn liên quan đến logo, chứng nhận về nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa ý, OCOP, mã vạch. Do đó, cần hỗ trợ các HTX một cách đồng bộ để nâng cao hiệu quả trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt.

“Các HTX, các cơ sở có mã số kinh doanh cần được chú trọng hỗ trợ, vì đây là loại hình liên kết đầu tư phổ biến, thu hút nhiều người tham gia liên kết trong xã hội hiện nay”, ông Bùi Quang Nguyên nhấn mạnh.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/thuong-hieu-san-pham-doi-voi-htx-cam-vang-dung-de-vang-roi-1102860.html