Thương hiệu, thị phần hàng Việt tại thị trường Anh vẫn khiêm tốn

Hàng hóa Việt Nam hiện chỉ chiếm 1% thị phần tại thị trường Anh, một trong các nguyên nhân là do doanh nghiệp đang chọn gia công cho 'dễ thở'.

Sau hơn hai năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) trở thành lực đẩy để hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh nhiều tiềm năng. Gần đây, một số mặt hàng Việt Nam đã lên kệ siêu thị Anh và được người tiêu dùng sở tại tin cậy. Tuy nhiên, thị phần hàng Việt tại thị trường Vương quốc Anh vẫn còn ở mức rất khiêm tốn, một trong các nguyên nhân là do doanh nghiệp, ngành hàng chưa chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu trên thị trường.

Bà Tạ Hoàng Lan - Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.

Mức độ quan tâm của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa tại Anh còn hạn chế. Ảnh: TTXVN

Mức độ quan tâm của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa tại Anh còn hạn chế. Ảnh: TTXVN

Xin bà cho biết một số đánh giá về kết quả xuất khẩu hàng hóa cũng như sự hiện diện của thương hiệu Việt Nam tại thị trường Anh, sau hai năm Hiệp định UKVFTA thực thi?

Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đồng thời Việt Nam ký kết Hiệp định UKVFTA là điểm thuận lợi mới để doanh nghiệp trong nước tiếp cận môi trường kinh doanh, thay đổi điều kiện xuất khẩu sang Anh.

Đến nay, mặc dù mới thực thi, song Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hóa thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hóa Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12-19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông thủy sản.

Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh. Đặc biệt, gần đây, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng trưởng tích cực tại thị trường Anh nhờ sự phục hồi của kinh tế, sản xuất, xuất nhập khẩu mang lại những tín hiệu lan tỏa rất tốt. Trước đây, người tiêu dùng, doanh nghiệp Anh ít biết đến sản phẩm, hàng Việt Nam, nhưng nhờ UKVFTA nhiều doanh nghiệp, đối tác nhập khẩu đã chủ động, tìm kiếm đưa hàng Việt chất lượng vào kênh phân phối tại thị trường Anh.

Bà Tạ Hoàng Lan - Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại

Bà Tạ Hoàng Lan - Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại

Điểm nhấn nổi bật của các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu nòng cốt mà Bộ Công Thương đã triển khai và tác động tích cực mà hoạt động này mang lại đối với xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh là gì thưa bà?

Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh tăng trong những năm gần đây, đầu tiên là nhờ sự vào cuộc rất sớm của các cấp chính quyền, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu đã được đẩy mạnh, triển khai với các hoạt động, chương trình đa dạng, phong phú và hiệu quả.

Cụ thể năm 2023, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại cùng phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Anh và các tổ chức thương mại quốc tế tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Anh để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, nghiên cứu, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, thị hiếu của thị trường. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của địa phương; góp phần vào tăng kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại hàng tháng với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có Thương vụ Việt Nam tại Anh đã cập nhật, cung cấp thông tin thị trường sớm nhất tới doanh nghiệp, đưa ra những cảnh báo về xu hướng, quy định của thị trường để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu về bao bì, mẫu mã… Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã tăng cường chú trọng nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, theo đó hỗ trợ cho hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến; kỹ năng giao dịch hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại còn thúc đẩy giới thiệu, quảng bá Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt thương hiệu quốc gia đến cộng đồng, người tiêu dùng, nhà đầu tư, đối tác thương mại và xuất nhập khẩu quốc tế. Phối hợp với các đại sứ quán đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt để giới thiệu Chương trình thương hiệu quốc gia.

Từ năm 2021, Bộ Công Thương phối hợp với các bên phát hành nhiều sản phẩm truyền thông, giới thiệu các ngành hàng trọng điểm như tiêu, điều, dừa…; xây dựng sản phẩm truyền thông về chỉ dẫn địa lý cho trà Tân Cương, vải Thanh Hà, thanh long Bình Thuận... để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Anh về sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao của Việt Nam.

Hiện nay, dù xuất khẩu tăng trưởng nhưng thị phần hàng hóa Việt Nam vẫn chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh vì chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường. Theo bà đâu là nguyên nhân?

Trước hết là do doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu mà thường tập trung nguồn lực để tăng quy mô sản xuất, sản lượng nhiều nhất sau đó mới chú trọng đến công tác chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Và có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Điều này dẫn đến khi có sự cố tranh chấp liên quan đến thương hiệu doanh nghiệp mới chú ý.

Doanh nghiệp chủ yếu làm gia công với tâm lý cho “dễ thở” thay vì đi tìm khách hàng, thị trường. Hiện, xây dựng thương hiệu trong nước đã rất khó, xây dựng thương hiệu tại nước ngoài lại càng khó hơn do không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực, có quy trình sản xuất bài bản, kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường để có sản phẩm tốt nhất, ưu việt nhất.

Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước đa số chưa chú trọng đến công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài; cũng như không chú ý đến khâu đăng ký, theo đuổi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dẫn tới nhiều cá nhân, tổ chức đăng ký trước. Vì thế có không ít trường hợp doanh nghiệp phải mua lại với gia cao, hoặc bị lợi dụng uy tín, tham gia các vụ kiện tụng… Đồng thời, doanh nghiệp chưa chú trọng nghiên cứu, đầu tư về thiết kế bao bì, sản phẩm, chỉ quan tâm bán thứ mình có chứ chưa bán cái thị trường cần.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là xu hướng chung trên thế giới, nhiều quốc gia lựa chọn mở rộng hợp tác kinh tế đồng nghĩa doanh nghiệp Việt Nam lại phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Các FTA trong đó có UKVFTA đặt ra hàng loạt các yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ… trong khi doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất theo truyền thống chưa chú trọng tìm hiểu tiêu chuẩn, kỹ thuật mà thị trường yêu cầu.

Từ thực tế trên, để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường Anh, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường. Trong đó, cần quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, xem đây là chìa khóa quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt tại Anh. Thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường, sản xuất sản phẩm nổi trội so với các sản phẩm cùng loại khác tại Anh. Gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước; thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa chất lượng, phân phối tại Anh.

Trong ngắn hạn, tập xuất khẩu sản phẩm có giá trị cao làm sao để giữ vững thương hiệu của mình, gia tăng tìm kiếm đối tác am hiểu về thị trường để họ cung cấp các thông tin đáng tin cậy. Cuối cùng và quan trọng nhất đó là nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Phải quyết tâm xây dựng thương hiệu thành công từ đó giành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, cần coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị cạnh tranh, định vị thương hiệu của doanh nghiệp.

Thương mại song phương Việt - Anh hiện đang có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD, nhất là khi Anh gia nhập CPTPP. Đồng thời, thị trường Anh lại đang có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa. Để khai thác dư địa của thị trường Anh, bà có thể cho biết định hướng, giải pháp xúc tiến thương mại, gia tăng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Anh thời gian tới?

Hiện, Bộ Công Thương đã có 6 nhóm giải pháp về công tác xúc tiến thương mại để gia tăng giá trị, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Anh.

Một là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại xây dựng nền tảng, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, cạnh tranh cho hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tận dụng các thuận lợi từ Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường,

Thứ hai, phối hợp hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi, tức là từ khâu phát triển sản phẩm, đầu tư, phát triển thương hiệu để gia tăng giá trị cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ ba, song hành tuyên truyền về các ưu đãi, cam kết từ các FTA, sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường Anh giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đến gần hơn với người tiêu dùng sở tại.

Thứ tư, tiếp tục đa dạng hóa thị trường.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ trên thị trường thế giới.

Thứ sáu, thông qua hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, kịp thời đưa ra các cảnh báo đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra tranh chấp, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời phối hợp hướng dẫn cho doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tránh các rủi ro khi bị đánh cắp nhãn hiệu.

Xin cảm ơn bà!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-hieu-thi-phan-hang-viet-tai-thi-truong-anh-van-khiem-ton-278405.html