Thương hoài mùi cơm sôi bếp củi

Chỉ một loáng đã nghe tiếng cơm sôi lục bục. Mẹ nhanh tay mở vung nồi, lấy đôi đũa cả đảo đều cơm ước chừng xem nước vừa hay dư. Nhắm sợ cơm nhão là y rằng mẹ như một chuyên gia thực thụ nhấc nồi cơm lên chắt đi phần sữa trắng đục mà mấy chị em chúng tôi rất thích cho chút đường vào khuấy đều là được một bát nước cơm sữa thơm lừng mùi gạo mới...

Tây Bắc những ngày thu bầu trời như khoác lên mình tấm khăn voan mỏng của những đợt sương sớm. Những trái hồng căng mọng vàng ươm điểm xuyến vài trái đỏ lúc lỉu nơi cuối vườn. Xa xa, một vài lọn khói nối đuôi nhau rong ruổi trên nền trời vẫn còn ngái ngủ. Tôi thấy lẩn khuất trong cái mùi hăng hắc của khói nồng ấy có mùi cơm sôi bếp củi nhà ai đang nấu sớm. Cái mùi của ký ức thân thương, mùi của tuổi thơ những năm tháng được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ những năm mấy chị em tôi còn nhỏ. Chắc giờ này ở quê nhà, mẹ vẫn thói quen dậy sớm, nhóm niềm yêu thương trong căn bếp nhỏ. Căn bếp ấy mẹ vẫn thường thổi cơm để chờ đón các con đi học về.

Minh họa: Minh Quân.

Minh họa: Minh Quân.

Cái ngày xưa ấy, nhà tôi và hầu hết bà con trong xóm đều có một cái “chái bếp” nhỏ nằm ngay sát nhà chính. Nơi chái bếp ấy chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ mấy chị em tôi. Căn bếp được dựng bằng tre nứa, theo thời gian phủ đầy một lớp bồ hóng đen sì. Để chuẩn bị cho một ngày mới, mẹ thường dậy từ sớm nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm sáng để mấy chị em chúng tôi đến trường. Chiếc nồi gang siêu dày được mẹ trưng dụng để nấu cơm. Để nồi cơm của mẹ chuẩn thương hiệu “cơm mẹ nấu” thì hai vật bất li thân cho nồi cơm thêm hoàn hảo chính là đôi đũa cả dùng để “ghế” cơm và chiếc rá tre được ông ngoại tôi đan dày cẩn thận.

Sớm sớm, ánh lửa nơi bếp mẹ lại tỏa ra hơi ấm rực hồng từ lớp than củi. Tiếng nổ tí tách, giòn tan của những thanh củi tre đã được mẹ nhặt lượm sau vườn đem phơi khô. Củi thơm mùi nắng mỗi sớm trưa hè. Nồi cơm của mẹ đã được bắc sẵn trên bếp. Chỉ một loáng đã nghe tiếng cơm sôi lục bục. Mẹ nhanh tay mở vung nồi, lấy đôi đũa cả đảo đều cơm ước chừng xem nước vừa hay dư. Nhắm sợ cơm nhão là y rằng mẹ như một chuyên gia thực thụ nhấc nồi cơm lên chắt đi phần sữa trắng đục mà mấy chị em chúng tôi rất thích cho chút đường vào khuấy đều là được một bát nước cơm sữa thơm lừng mùi gạo mới. Mẹ chờ cho nồi cơm cạn nước là đóng nắp vung bắc nồi qua cạnh bếp, gạt sang dưới đáy bếp một lớp than củi đỏ au rực hồng chờ cơm chín, tỏa mùi ngào ngạt bởi lớp hơi len lỏi qua kẽ vung. Cả ba chị em tôi còn mê đắm cái vị cháy non vàng ươm nơi đáy nồi cơm của mẹ. Khi ấy để ăn kèm với cháy chỉ cần chút nước mắm hay vài hạt lạc mẹ rim cùng nước muối giòn rụm, béo bùi là một loáng nồi cơm cùng đám cháy thơm lừng kia đã bị đàn con thơ đánh bay. Chỉ vậy thôi mà sao những bữa cơm nhà ngày xưa ấy đã nuôi dưỡng để chị em tôi có cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay...

Miền ký ức mênh mang mỗi khi nhớ mẹ, thèm cái mùi bồ hóng, muốn được thấy dáng mẹ lụi cụi nơi căn bếp nhỏ. Ở đó có cả một bầu trời tuổi thơ, một miền ký ức diệu vợi. Ở đó có mâm cơm của một thời lam lũ, cơ cực của mẹ cha, ở đó có cả những câu chuyện “cổ tích” chắp cánh bao ước mơ, hoài bão của con trẻ. Để rồi, trên đường đời vội vã bất chợt gặp một ai đó có dáng hình nhỏ thó, mái tóc hóa mây trời cùng bước đi tập tễnh tôi như thấy lại chính hình bóng mẹ nơi quê nhà. Như thấy lại một bầu trời xa xưa ấy, bất giác trong tim mong được trở về thật nhanh bên mẹ, để được hít hà cái mùi nồng mặn của những giọt mồ hôi. Để được sà vào căn bếp thân thương, được thưởng thức bữa cơm nhà, được “cảm” cái mùi cơm sôi ùng ục trên bếp. Để thấy mình được yêu thương, thấy mình là người con hạnh phúc nhất thế gian, bởi vẫn còn có mẹ.

Tản văn của Phạm Thị Yến (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/thuong-hoai-mui-com-soi-bep-cui/29050.htm