Thương hương canh mồng tơi nội nấu ngày tết
Người ta thường bảo rằng mỗi cuộc đời chúng ta đều có món ăn mang dư vị của kỷ niệm, khiến ta nhớ mãi không quên. Cứ mỗi dịp tết đến, tôi lại nhớ về những ngày về thăm quê nội, nơi món canh nghêu nấu với mồng tơi nội nấu khiến tôi lưu luyến không nguôi.
Tuy quê của ba tôi ở tận Thái Bình nhưng tôi lại sinh ra và lớn lên với nhà ngoại ở trong miền Nam. Ai ai cũng bất ngờ khi nhìn vào quê quán Thái Bình vì tôi nói chuyện bằng chất giọng miền Nam. Dẫu trước đây không được khá giả nhưng ba mẹ vẫn luôn tạo điều kiện cho tôi về thăm ông bà nội mỗi khi có dịp. Sau này khi ông mất, bà tôi chỉ một mình sống quanh quẩn ở nhà, các bác cùng các chị cũng thay phiên nhau xuống ở với bà cho bà không cảm thấy buồn.
Hè năm lớp 5, tôi được ba mẹ mua vé về quê với người chị họ. Lần đầu tiên được đi chơi xa mà không có ba mẹ đi cùng khiến tôi hồi hộp, thấp thỏm đến mất ngủ cả đêm. Ấy thế mà sáng hôm sau ra sân bay, tôi chẳng hề thấy uể oải chút nào, thậm chí còn phấn khích hơn. Về thăm quê sau nhiều năm, tôi nhận thấy làng quê không có nhiều thay đổi mấy, vẫn là những con đường đá lởm chởm đan xen những con đường xi măng. Từ xa tôi đã thấy bóng dáng của nội đứng trước cổng, đang ngoái đầu nhìn chiếc xe của bọn tôi đi vào. Tôi chạy xuống ôm chầm lấy nội, nội cười to vỗ lưng rồi bảo “Cháu về nội mừng lắm”, thế là bao nhiêu mỏi mệt trong tôi đều tan biến.
Có tôi về nên nội đi chợ mua rất nhiều món đãi cháu, nào là tôm, cá rồi lại thịt. Nhưng với tôi, canh rau mồng tơi nấu với nghêu giản dị lại là món tôi yêu thích nhất. Nhà nội tôi ở sát bên con sông Tiên Hưng hiền hòa. Ở nhà có một mảnh đất nhỏ, nơi bác gái và nội trồng các loại rau, cải để ăn trong nhà hoặc dư thì đem bán ngoài chợ. Chiều hôm ấy nội nhờ tôi và đứa em họ ra vườn nhặt rau mồng tơi giúp nội. Trong vườn có một luống rau mồng tơi với những chiếc lá to bằng lòng bàn tay, tôi và đứa em họ hăng say nhặt những chiếc lá to nhất rồi chạy vào khoe với nội. Nhưng kết quả là bị mắng cho tội nhặt hết luống rau của bà. Thế là chúng tôi lủi thủi ra bến sông sát nhà ngồi chơi. Một hồi sau, bỗng từ phía trong nhà, nội nói to ra “Vào ăn cơm đi nào”, thế là tôi và đứa em họ lật đật đua nhau chạy vào.
Trước nhà nội có một khoảnh sân lớn, các chị kê bàn ăn ở chính giữa khoảng sân ấy cho cả nhà cùng ngồi. Tôi phụ nội dọn chén đũa ra, khi vừa bước vào bếp, tôi đã ngửi thấy mùi thơm của rau mồng tơi ngào ngạt khắp bếp. Tô canh mồng tơi được nội bưng ra và đặt chính giữa bàn ăn, cùng với bầu trời hoàng hôn màu đỏ lan khắp sân nhà khiến cho tô canh màu xanh ấy lại thêm phần rực rỡ. Nhìn thấy nước canh màu xanh ngọc khiến tôi lạ lẫm, tôi liền quay sang hỏi nội “Sao canh lại xanh thế vậy nội?”, bà và các chị đều phì cười rồi trả lời “Tại nội nấu với con nghêu tươi nên nó mới có nước xanh đến thế”. Phản ứng đó của nội và các chị làm tôi ngại đến đỏ ửng tai.
Nội cầm chén tôi lên, múc cho tôi một chén thật đầy và bảo ăn thử xem. Tôi bắt đầu húp muỗng đầu, vị giác của tôi liền cảm nhận được sự thanh mát từ nước canh màu xanh đục trong miệng. Sau đấy tôi thử thêm rau mồng tơi và những con nghêu bé tí, nhỏ bằng đốt ngón tay. Rau mồng tơi được nội nấu vừa chín tới, vẫn giữ được độ giòn không bị nhão. Còn những con ngao được nội tôi ngâm với sả và ớt rồi rửa qua nước nhiều lần để không còn cát và sạn, sau đó, bắc lên bếp luộc đến khi nghêu mở miệng rồi nội lại ngồi tách từng con lấy thịt. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra biết bao công sức và tình yêu thương của nội dành cho các cháu hòa quyện trong món canh mồng tơi ngày hôm ấy.
Đã qua nhiều năm, mỗi khi nhắc về những kỷ niệm đó, tôi đều cảm thấy tiếc nuối và ước rằng buổi chiều hôm ấy sẽ kéo dài mãi. Khi lớn hơn một chút, tôi cũng đã nhiều lần thử nấu món canh ấy nhưng không thể nào sánh bằng nội. Tôi muốn được nếm thử món canh đó của nội một lần nữa nhưng tiếc rằng điều đó là không thể. Và món canh mồng tơi ấy là những kỷ niệm còn vương lại về người bà ở phương xa của tôi.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/thuong-huong-canh-mong-toi-noi-nau-ngay-tet/