Thương lắm miền Trung!

Dịch bệnh chưa qua, mưa bão lại tới, thu nhập của họ lại thêm bấp bênh. Càng nghĩ càng thương. Thương lắm khúc ruột miền Trung, thương lắm những con người cần cù nơi đây. Chỉ mong sao ông trời cũng thương họ, thấu hiểu cho những nỗi khổ của họ, để cuộc sống sớm trở về với hai chữ 'bình yên'. Miền Trung ơi, cố lên nhé!

Thấy báo, đài đưa tin miền Trung đang ngập lụt, tôi nhắn tin hỏi thăm mấy người bạn. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Ninh trù phú, hiếm khi thấy cảnh nước lũ chia cắt giao thông, nên đối với tôi, đó là điều khá kinh hoàng.

Nhưng với những người bạn đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, họ vẫn bình tĩnh. Bạn tôi bảo: “Cũng bình thường thôi, “đặc sản” miền Trung mà. Năm ni mới trận đầu tiên chứ năm nào khúc nhà mình cũng chịu ít nhất 2-3 trận lụt. Ri là còn nhẹ chứ gặp bão vô thì phải chằng chống nhà cửa mệt nữa”.

Trong ký ức của những người dân miền Trung, thiên tai như là một phần không thể thiếu. Cái cảm giác buồn man mác khi ngồi trong nhà ngắm mưa cả ngày là tâm trạng chung.

Thế nên bài hát “Mưa chiều miền Trung” của tác giả Hồng Xương Long ra đời đã làm xúc động hàng triệu trái tim. Giai điệu ngọt ngào da diết nhưng buồn miên man khiến những người con miền Trung không kiềm được nước mắt.

Qua lời kể của bạn tôi, họ đã quá quen với cảnh dọn lụt. Cứ tới mùa mưa nhiều là nhà nhà đều phải chú ý theo dõi các thông tin khí tượng thủy văn, các báo động về mực nước. Từ người già đến trẻ con, từ đàn ông tới phụ nữ, ai cũng tranh thủ chạy về nhà trước khi nước dâng để kê đồ đạc lên chỗ cao.

Nếu ngập sâu nhiều ngày liên tục thì người dân phải đi lại bằng ghe, xuồng. Cũng có khi nước lớn nhanh trong đêm nhưng đến sáng là rút. Mà nước đi rồi thì rác vẫn ở lại, nên cứ sau mỗi trận lụt lại phải dọn dẹp thêm một đợt nữa. Gian nan, vất vả nhưng họ vẫn không than vãn, vẫn rất yêu mảnh đất quê hương.

Dù không tránh khỏi những mất mát, nhưng thay vì quá đau buồn, người miền Trung nỗ lực hơn gấp bội để khôi phục đời sống kinh tế. Chính điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm nên những con người kiên cường.

“Người dân quê mình sống tiết kiệm lắm, bởi vì họ phải dành dụm, phòng thân cho những lúc không làm ra tiền được, rồi còn phải khắc phục sự cố nhà cửa. Dần dần cái suy nghĩ đó đã in sâu vào tiềm thức.

Bạn thấy đó, ở đây cái gì cũng rẻ và không sầm uất quán tiệm như các nơi khác đâu”- còn nhớ bạn tôi đã tâm sự như thế trong một lần đón tôi đến tham quan miền Trung. Ngồi trên bãi biển có tiếng sóng vỗ rì rào, tôi nói: “Người dân quê bạn thân thiện quá!”.

Bằng chất giọng chất phác, thật thà, bạn ấy chia sẻ: “Bão lũ liên miên, không biết còn gặp người thân, hàng xóm bao lâu nên họ luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau khi cần. Bản tính thương người cũng từ đó mà hình thành. Người ta nói người miền Trung chịu thương, chịu khó là vậy”.

Tuy nhiên, có thể nói, ở thời điểm này, người dân miền Trung phải sống trong cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Dịch bệnh chưa qua, mưa bão lại tới, thu nhập của họ lại thêm bấp bênh. Càng nghĩ càng thương.

Thương lắm khúc ruột miền Trung, thương lắm những con người cần cù nơi đây. Chỉ mong sao ông trời cũng thương họ, thấu hiểu cho những nỗi khổ của họ, để cuộc sống sớm trở về với hai chữ “bình yên”. Miền Trung ơi, cố lên nhé!

Kim Anh

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thuong-lam-mien-trung--a138693.html