Thượng Lương nét phong tục đẹp cổ xưa
Từ xa xưa, xuất phát từ một nghi thức truyền thống mỗi khi xây dựng nhà cửa hoặc một công trình gì đó, theo tập tục, đầu tiên người ta sẽ làm Lễ đặt một viên đá trước khi bắt đầu xây dựng. Trên cơ sở của những nét phong tục đó, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng tiếp thu và vận dụng trong mỗi lần dựng nhà, dựng cửa, theo thời gian, lâu dần trở thành một phong tục văn hóa đẹp đẽ trong đời sống cộng đồng dân tộc mình sinh sống.

Cây hoành ở vị trí chính giữa nóc nhà, được gọi là: “Pe bân” hay “Pe chông mạ”.
Khi xây dựng nhà mới, một số gia đình trong cộng đồng người Tày, người Nùng ở Cao Bằng vẫn thường đặt một cây hoành ở vị trí chính giữa nóc nhà, cây hoành đó được gọi là: “Pe bân” hay “Pe chông mạ” (cây hoành đặt ở nóc nhà, gian giữa). Cây hoành này, còn được gọi là Thượng Lương, cũng có nơi gọi “mạy Thượng Lương” (cây Thượng Lương hay còn có hàm ý là “Cây may mắn”). Bởi vậy, khi làm nhà mới, nghi lễ đặt cây Thượng Lương là một dịp để bày tỏ lòng thành tới các chư vị thần linh trông coi mảnh đất, ngôi nhà của gia chủ. Đồng thời, còn bày tỏ tấm lòng thành kính của gia chủ luôn mong tổ ấm của gia đình mình sẽ được bảo vệ, giảm thiểu mọi tai ương, bệnh tật; mong cầu cho mọi chuyện trong gia đình luôn may mắn, thông hanh thuận lợi, bốn mùa bình an. Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, nên việc tiến hành Lễ Thượng Lương được gia chủ chuẩn bị rất kỹ lưỡng và kỳ công.
Đầu tiên, gia chủ lựa chọn một cây gỗ thẳng, chắc, nếu lựa chọn được cây gỗ quý như đinh, lim, táu, sến...thì càng quý, tiếp đó gia chủ sẽ mời thầy uy tín đến để khắc trực tiếp lên cây gỗ đó; hoặc nếu không khắc trực tiếp lên cây gỗ thì gia chủ thường lựa chọn một tấm gỗ của cây Dâu tằm hoặc cây Mít (với hàm ý thơm tho và trừ tà) để khắc chữ lên trên tấm gỗ đó và gắn vào cây đã được lựa chọn. Sau khi chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, gia chủ thường mời những người am hiểu về chữ nghĩa, đặc biệt là am hiểu về chữ Hán Nôm; chữ Nôm Tày như: thầy Đồ hoặc thầy Tào (thầy phong thủy), thầy sẽ giúp gia chủ chọn ngày lành, giờ lành đồng thời, thầy sẽ tự tay khắc chữ hoặc viết những dòng chữ với ý nghĩa triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc.
Chữ khắc hoặc viết trên cây Thượng Lương thường được trình bày theo kiểu câu đối với các vần thơ phổ biến như năm chữ hoặc bảy chữ. Qua đó, thể hiện mong ước tiêu trừ bệnh tật; trừ ma diệt quỷ; đem đến nhiều vượng khí, tài vận, giúp cho con cháu đời sau luôn được bình an, hòa thuận, may mắn, có nhiều lộc, nhiều phúc...ví như: “Khương thái công tại khử - Càn nguyên hanh lợi trình” (nghĩa là: gia chủ sẽ luôn được hưởng mọi điều tốt lành từ trời đất, trừ ma diệt quỷ giúp gia chủ dựng nghiệp); Hay: “Tử vi tinh chính chiếu - Phú quý thọ khang ninh” (hàm ý rằng: Gia chủ sẽ luôn được hưởng phúc, thọ, quý, khang, ninh, gia đình luôn gặp những điều may mắn và tốt đẹp).
Tiếp đến, gia chủ sẽ chọn ngày lành, tháng tốt để tiến hành đặt cây Thượng Lương lên vị trí trên hệ vì kèo hoặc dầm mái, tượng trưng cho việc hoàn thiện khung mái. Gia chủ sẽ mời thầy Tào đến cúng Lễ. Trong không khí trang nghiêm Thầy sẽ dùng hương để xông lên thanh xà gồ để “tẩy uế, trừ tà” và cầu bình an, thông thường các thầy sẽ đọc một bài văn khấn có ý nghĩa vô cùng sâu xa:
“Síp hoằn kẹn đảy hoằn nẩy mịac/Pác giờ, kẹn đảy giờ nẩy đây lai/Giờ thiên khai đại cát/Slam kéo, kéo mắn chát xiên pi/Tặt pe, pe sí rì bấu vận/Tặt Thượng Lương xày mắn/Xày mắn hơn phya/Xày na hơn đán/Vạn vạn thiên thu” (Mười ngày chọn được ngày thông hanh, thuận lợi/Trăm giờ, chọn được giờ tốt lành/Giờ thiên khai, đại cát/Hỏi cột, cột vững chãi nghìn năm/Đặt kèo, kèo bốn mùa không đổi/Đặt Thượng Lương, Thượng Lương vững chãi hơn ngọn núi/Dày dặn hơn vách núi/Đời đời vững bền).
Sau khi khấn xong, thầy Tào đứng trang nghiêm, gần cây Thượng Lượng và viết vào không khí bằng chữ Hán Nôm hoặc chữ Nôm Tày: “Nhập” đồng thời ấn nhẹ vào cây Thượng Lương và đặt cây xuống vị trí đã định trước.

Chữ khắc hoặc viết trên cây Thượng Lương đem đến nhiều vượng khí, tài vận, giúp cho con cháu đời sau luôn được bình an.
Lễ Thượng Lương đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng ngôi nhà, khi công trình đã hoàn thành phần khung và chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là cũng là một dịp để những người thợ xây dựng và gia chủ và những người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm cùng nhau chúc mừng và nhìn lại những nỗ lực đã dày công tích cóp, xây dựng.Phong tục làm Lễ Thượng Lương giúp duy trì và truyền tải giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dẫu mỗi địa phương có nghi thức làm Lễ khác nhau nhưng có thể nói đây là một trong những phong tục lâu đời và gắn bó với nét đẹp truyền thống trong văn hóa xây dựng nhà cửa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nói riêng và người Việt nói chung.
Ngày nay, đời sống vật chất của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đã nâng lên, nhà cửa đã được kiên cố hóa nên Lễ tục đặt cây Thượng Lương đã không còn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, có thể nói đây là một nét phong tục cổ xưa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần làm giàu, làm đẹp, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuong-luong-net-phong-tuc-dep-co-xua-3178865.html