Thương mại - dịch vụ hướng đến chất lượng cao, thông minh - Kỳ 2
Kỳ 2: Tiện ích cho người dân, doanh nghiệp
Với những nỗ lực thu hút đầu tư, vận hành hiệu quả kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ (TM-DV) trọng điểm, từng bước chuẩn hóa nền tảng thương mại của tỉnh dựa trên quan hệ hợp tác với hiệp hội thương mại quy mô lớn của quốc tế đã đem lại sự thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và cuộc sống tiện ích cho người dân.
Nhiều triển lãm mang tầm quốc tế chọn Bình Dương làm nơi đặt nền móng cho việc phát triển các công cụ sản xuất mới, cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh và các nhà DN tham quan Triển lãm công nghiệp Việt Nam 2022 tổ chức tại Bình Dương
Phát triển song hành
TS. Trần Du lịch, thành viên Hội đồng Tổ tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, Bình Dương đã chứng minh được giá trị là một tỉnh “công nghiệp hóa” đi đầu cả nước, là hình mẫu phát triển song hành các lĩnh vực công nghiệp, TM-DV theo hướng hỗ trợ lẫn nhau. Thực tiễn cho thấy nơi nào phát triển nhanh công nghiệp, thu hút nhiều lao động đến làm việc thì nhu cầu phục vụ ăn ở, mua sắm, vui chơi giải trí ở đó sẽ phát triển. Việc thu hút đầu tư các khu công nghiệp (KCN) với hạ tầng bài bản đã thúc đẩy phát triển TM-DV toàn diện trải dọc theo trục phát triển Nam - Bắc của tỉnh nhà.
Việc Bình Dương quyết định xây dựng mô hình Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (khu liên hợp) như một mô hình thí điểm cho việc phát triển tích hợp, bao gồm: Khu đô thị, KCN, khu TM-DV chất lượng cao, khu dân cư, tái định cư cho người dân là một ý tưởng táo bạo đột phá nhằm thay đổi toàn bộ cách thức thu hút và kêu gọi đầu tư của Bình Dương, bao gồm việc thống nhất trong quản lý, mời gọi đầu tư cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng TM-DV đồng bộ. Qua đó, giúp dần hình thành chiến lược thu hút đầu tư dựa trên việc xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Để thu hút mạnh các nhà đầu tư, Bình Dương chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics góp phần lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 trung tâm logistics, phấn đấu đến năm 2025 một số trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ phát triển trên nền tảng thương mại điện tử. Bình Dương đã quy hoạch 10 cảng sông và hiện đã có 4 cảng đi vào khai thác vận chuyển hàng hóa, du lịch gồm cảng tổng hợp Bình Dương, cảng Thạnh Phước, cảng Bà Lụa và cảng An Sơn.
Nhờ công nghiệp và dịch vụ có bước phát triển song hành, huyện Bàu Bàng đã có những bước tiến mới so với 5 năm trước đây. Xác nhận điều này với chúng tôi, ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết cùng với phát triển lĩnh vực công nghiệp, Bàu Bàng đã và đang đạt những thành tựu về thu hút đầu tư trong lĩnh vực TM-DV, đáp ứng nhu cầu, xứng tầm với đô thị công nghiệp. Thời gian sắp tới, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực logistics đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp.
Với tư cách là DN đầu tư khai mở phát triển công nghiệp ở vùng đất còn nhiều khó khăn, ông Lê Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp KSB, cho biết đến nay huyện Bắc Tân Uyên đã thực sự thay đổi khi công trình hạ tầng hoàn chỉnh, tạo lực đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp tại khu vực, đồng thời góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, đẩy mạnh phát triển TM-DV khu vực này. Đây là cơ sở vững chắc để đơn vị đầu tư mở rộng dự án giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, cùng với đầu tư hạ tầng công nghiệp, KSB cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TM-DV để phục vụ nhu cầu ăn ở, mua sắm, vui chơi giải trí của người lao động làm việc trong KCN. Cụ thể, dự án sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tài chính, dịch vụ vận chuyển, y tế, giáo dục, văn hóa - giải trí, tuyển dụng và đào tạo lao động cho các DN, phấn đấu với mục tiêu xây dựng khu đô thị văn minh, đem lại môi trường sống chất lượng cho cư dân.
Để tạo điều kiện cho người dân và DN, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được ngành công thương tỉnh triển khai đồng bộ, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Hạ tầng thương mại điện tử, công tác chuyển đổi số được tỉnh ưu tiên triển khai đến người dân và DN. Các chương trình hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bình Dương và các địa phương sau nhiều năm triển khai đã tạo được sức lan tỏa lớn, góp phần tạo ra nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng cho người tiêu dùng.
Đem đến diện mạo mới
Đến nay, với vai trò là lõi đô thị kết nối, thành phố mới Bình Dương được tỉnh nỗ lực xây dựng trở thành thành phố của khoa học, giáo dục, tài chính và dịch vụ chất lượng cao. Thành phố mới đã là điểm đến của các hoạt động thương mại và giao thương quốc tế, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút và phát triển các KCN xung quanh, trở thành điểm nhấn lan tỏa, nhằm nâng cấp đô thị của Bình Dương.
Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương đã đưa vào hoạt động, tổ chức thành công hàng chục hội nghị mang tầm quốc tế. Tại thành phố mới Bình Dương, các khu dân cư cao cấp do đối tác hàng đầu trên thế giới triển khai xây dựng bước đầu thỏa mãn được nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân cũng như các nhà đầu tư, chuyên gia… Khu thương mại điện tử xuyên biên giới, khu trung tâm tài chính, ngân hàng... và nhiều phân khu khác đều đã hình thành và phát triển, đem đến diện mạo mới và tiện ích cho người dân và DN.
Để tiếp tục tạo bước đột phá làm sức bật phát triển ngành TM-DV trong xây dựng thành phố thông minh, tỉnh đã triển khai xây dựng KCN khoa học - công nghệ có diện tích 900 ha do Becamex IDC đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm của đề án thành phố thông minh. Ở đó, phát triển những viện, trường ở bậc cao, xây dựng các bệnh viện theo chuẩn quốc tế để phục vụ cho người dân địa phương cũng như các chuyên gia, nhân lực trong và ngoài nước đến làm việc. Các dịch vụ, tiện ích xã hội đi kèm sẽ được đầu tư đồng bộ, hài hòa giữa KCN khoa học - công nghệ và các khu dân cư hiện hữu tại địa phương.
Đến nay, tại khu liên hợp, hệ thống trường các cấp đạt chuẩn quốc tế, như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường Đại học Việt Đức… với những chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh, tập trung vào những ngành trọng yếu phục vụ cho nền tảng phát triển công nghiệp của tỉnh, như: Công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện - điện tử… Đồng thời, đặt nền móng cho việc phát triển các công cụ sản xuất mới, cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu và phát triển… Tất cả đang góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, học tập và phát triển của người dân trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, thành phố tiếp tục đề ra phương hướng đưa đô thị đạt tiêu chí loại I vào năm 2025 với động lực phát triển là ngành dịch vụ. Định hướng đó nhằm khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng, nỗ lực xây dựng Thuận An trở thành trung tâm đô thị dịch vụ, phát triển bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng, bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.