Thương mại - dịch vụ tiếp đà tăng trưởng

Được xác định là một trong 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh, năm 2024, cùng với nhiều giải pháp phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, Hà Nam đặc biệt quan tâm đầu tư mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics. Theo đó, khu vực thương mại- dịch vụ những tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân địa phương, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.

Tập trung các giải pháp trọng tâm, trọng điểm

Trong định hướng phát triển tổng thể của tỉnh, thương mại, dịch vụ được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế; đồng thời là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện. Theo đó, Hà Nam đã tập trung thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành nghề dịch vụ; ưu tiên tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh phù hợp với định hướng phát triển từng giai đoạn; tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Cùng với đó, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Vì vậy, số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nổi bật là trong lĩnh vực xăng dầu, tài chính - ngân hàng, lương thực, thực phẩm, điện tử, viễn thông.

Hướng dẫn khách hàng thanh toán bằng mã QR tahu Trung tâm thương mại GO! Hà Nam. Ảnh: Thanh Bình

Hướng dẫn khách hàng thanh toán bằng mã QR tahu Trung tâm thương mại GO! Hà Nam. Ảnh: Thanh Bình

Năm 2024, nhằm tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; triển khai phương án chuyển đổi số toàn ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, kết nối xúc tiến thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Sendo; xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại...

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng

Với quan điểm, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại - dịch vụ, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động nguồn vốn đầu tư nâng cấp chợ, tạo điều kiện cho người dân tăng cường trao đổi hàng hóa. Cùng với các chợ truyền thống, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó 4 trung tâm thương mại hạng III, 1 siêu thị hạng I; 2 siêu thị hạng II; 4 siêu thị hạng III. Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên doanh như: Thế giới di động, Điện máy xanh; chuỗi cửa hàng Winmart và đại lý bán buôn, bán lẻ cũng phát triển tại 6 huyện, thị xã, thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Để đem lại những tiện ích cho người tiêu dùng, tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại đều ứng dụng thiết bị thanh toán POS, một số chợ trung tâm triển khai mô hình chợ 4.0 - hỗ trợ tiểu thương, khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính từ những ưu thế nổi trội về không gian mua sắm, tiện ích thanh toán, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, các trung tâm thương mại, siêu thị, mini mart trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng.

Hoạt động tại cảng Thái Hà (Lý Nhân) góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của tỉnh. Ảnh: Thu Minh

Hoạt động tại cảng Thái Hà (Lý Nhân) góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của tỉnh. Ảnh: Thu Minh

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành và xây dựng một khu trung tâm thương mại đầu mối nông sản với diện tích khoảng 150 ha nằm tại các vị trí thuận tiện giao thông, gần ga đường sắt kết hợp với cảng nội địa để phân phối hàng hóa trong khu vực. Ngoài ra, mỗi huyện, thị xã được quy hoạch một trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ, cửa hàng tiện ích phù hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở mỗi địa phương. Riêng thành phố Phủ Lý đến năm 2030 sẽ thực hiện nâng cấp, cải tạo 6 chợ, xây mới một chợ đầu mối Liêm Tiết; 1 trung tâm hội chợ triển lãm quy mô khoảng 1,5 ha và 1 trung tâm thương mại; 2 siêu thị loại III. Đặc biệt, tháng 7/2023, tại thành phố, Trung tâm thương mại GO! Hà Nam thuộc Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan - Central Retail khởi công xây dựng, trên tổng diện tích gần 13.000 m2, với quy mô 2 tầng thương mại theo mô hình đa tiện ích, gồm các khu siêu thị chuyên về thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, nhu yếu phẩm; khu vực nhà hàng ẩm thực, ăn uống; khu vui chơi thiếu nhi. Với quy mô hiện đại, tiện ích, ngay sau khi đi vào hoạt động, trung tâm đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh tới tham quan và mua sắm. Đây sẽ là một trong những điểm nhấn tạo đà tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Hà Nam những tháng cuối năm.

Tạo đà tăng trưởng

Theo báo cáo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nam, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 7 tháng năm 2024 tiếp tục được duy trì ổn định. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng duy trì ở mức độ tăng nhẹ so với tháng trước. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá thuận lợi, dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ đã góp phần ổn định nguồn cung đối với các mặt hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Người tiêu dùng lựa chọn mua sắm hàng Việt tại một cửa hàng tự chọn trên địa bàn thành phố Phủ Lý (ảnh bên). Ảnh: NGUYỄN OANH

Người tiêu dùng lựa chọn mua sắm hàng Việt tại một cửa hàng tự chọn trên địa bàn thành phố Phủ Lý (ảnh bên). Ảnh: NGUYỄN OANH

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng năm 2024 trên địa bàn ước đạt 30.453,1 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 24.816,4 tỷ đồng, tăng 8,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.719,5 tỷ đồng, tăng 5,5%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 924,4 tỷ đồng, tăng 194,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 2.992,9 tỷ đồng, tăng 19%; có 9/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có mức doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2023, tăng cao ở những nhóm có quy mô doanh thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ của địa phương, như: đá quý, kim loại quý và sản phẩm; lương thực, thực phẩm; xăng, dầu các loại; hàng may mặc; hàng hóa khác... Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 4.363,6 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 9,5%...

Nhìn vào những con số tăng trưởng trên có thể nhận định, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nhưng với định hướng chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm vẫn giữ mức ổn định và có bước phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2024 nói chung, trong lĩnh vực thương mại- dịch vụ nói riêng, theo đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành công thương Hà Nam cần tiếp tục tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với lĩnh vực thương mại- dịch vụ, ngành tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại để triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong hoạt động phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ và sâu rộng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiềm năng và các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả và khả thi. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Với những giải pháp tích cực trên, tin rằng thương mại- dịch vụ Hà Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/thuong-mai-dich-vu-tiep-da-tang-truong-132012.html