Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19
Hội thảo: 'Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới' do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chiều 22/3 đã gợi mở một số hướng đi cho các doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19.
Thực trạng hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Theo các chuyên gia dự hội thảo, trong khi nhiều ngành kinh tế gánh chịu tác động do dịch bệnh, thương mại điện tử được coi là điểm sáng. Giai đoạn giãn cách xã hội, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử bởi tính tiện lợi và an toàn.
Những ưu thế công nghệ và sự thích ứng nhanh, nắm bắt nhu cầu khách hàng thông qua giải pháp livestream, khuyến mại... của các nền tảng thương mại điện tử nhanh chóng đưa mua sắm trực tuyến từ “làm quen” trở thành xu hướng mới sau Covid-19.
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo.
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường thương mại điện tử ngày càng mở rộng, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng. Nền thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
“Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số”, ông Trung cho biết.
Bài học để bứt phá
Ông Lê Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Trình chia sẻ câu chuyện thực tế làm thế nào đưa thương hiệu Việt ra thế giới có sự góp sức của sàn thương mại điện tử.
Ông Mark Birnbau, chuyên gia nước ngoài tham dự, chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo.
Sản phẩm xà đơn xếp Khánh Trình đã ra đời vào 2010, với những đặc điểm an toàn, giá thành phù hợp... Ngay khi đưa ra thị trường Việt Nam vào cuối 2010, ông Trình đã đăng ký sáng chế tại hơn 60 quốc gia khác nhau. Theo thời gian, ông Trình luôn tìm tòi, phát triển và sản xuất sản phẩm sao cho tốt hơn.
Ông Trình cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển sâu rộng các thị trường mới như Nhật, Nga, Hàn, Australia…”.t
Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam đưa ra 3 lưu ý cho nhà bán hàng khi bắt đầu kinh doanh trên Amazon.
"Đầu tiên, cần phải có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, và hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu. Điểm cuối cùng rất quan trọng xác định sự thành bại ngay từ đầu của doanh nghiệp khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế", ông nói.
Thực tế, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn khi tham gia thương mại điện tử. Để có thể xử lý được những khó khăn ấy, các doanh nghiệp cần phải phân tích kĩ cách vận hành, thị trường, đối thủ…, đưa ra những chiến lược dài hạn để phát triển doanh nghiệp.
Hội thảo được cho là đã mang đến cơ hội kết nối doanh nghiệp với các sàn cũng như các chuyên gia trong ngành, đẩy mạnh thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tham gia bứt phá trên các sàn thương mại điện tử một cách toàn diện nhất.
Bài và ảnh: Lê Trang