Thương mại điện tử mở 'cao tốc' đưa sản phẩm nông thôn vươn ra toàn cầu
Thương mại điện tử không chỉ là công cụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mà đang được nhìn nhận như một đòn bẩy để phát triển kinh tế số nông thôn.
Không chỉ dừng ở việc tiêu thụ sản phẩm, thương mại điện tử đang định hình lại mô hình phát triển nông thôn từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, từ bán lẻ truyền thống sang nền tảng số. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Quý Nhân - Phó Trưởng phòng Quản lý OCOP và du lịch nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã khẳng định vai trò của thương mại điện tử trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cùng những kiến nghị chính sách để thương mại điện tử trở thành động lực chiến lược trong phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Ông Đặng Quý Nhân - Phó Trưởng phòng Quản lý OCOP và du lịch nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Cú hích tạo đột phá cho kinh tế nông thôn
- Thưa ông, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, thương mại điện tử không chỉ là công cụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mà đang được nhìn nhận như một đòn bẩy để phát triển kinh tế số nông thôn. Ông đánh giá vai trò của thương mại điện tử trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như thế nào, đặc biệt trong việc nâng cao tiêu chí thu nhập, chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn và tạo động lực cho các xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu?
Ông Đặng Quý Nhân: Trong tiến trình chuyển đổi số, thương mại điện tử đang đóng vai trò then chốt, tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thương mại điện tử đang được xác định là đòn bẩy quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
Thứ nhất, thương mại điện tử đang góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm đặc trưng vùng miền vượt ra khỏi phạm vi địa phương. Nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền vốn chỉ được tiêu thụ tại chỗ, nay đã tiếp cận được khách hàng trên toàn quốc, thậm chí vươn ra thị trường quốc tế, qua đó giúp tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Thứ hai, thương mại điện tử tạo điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Khi tham gia thương mại điện tử, các hộ nông dân, hợp tác xã, chủ thể OCOP buộc phải đổi mới sáng tạo, cải tiến mẫu mã, bao bì, áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm để nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thứ ba, thương mại điện tử góp phần hình thành đội ngũ nhân lực số tại khu vực nông thôn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là tiền đề để xây dựng các thế hệ "nông dân số", "hợp tác xã số", hướng tới hình thành một nông thôn văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, muốn phát triển kinh tế số tại nông thôn một cách căn cơ, không thể chỉ dừng ở hạ tầng viễn thông hay số hóa dữ liệu. Cần nhận thức rằng, thương mại điện tử chính là "con đường cao tốc" của thời đại số, nơi mọi sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền có thể băng qua những rào cản địa lý, vượt khỏi khuôn khổ địa phương để tiến thẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến lược dài hạn cho kinh tế số nông thôn
- Thưa ông, thương mại điện tử đang được kỳ vọng là một trong những lực đẩy chiến lược giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong thời gian qua, nhiều chương trình hỗ trợ đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, từ việc đưa sản phẩm lên sàn, xây dựng gian hàng số, đến hỗ trợ truyền thông. Tuy nhiên, một thực tế đáng lưu ý là khi các dự án kết thúc, không ít chủ thể rơi vào tình trạng thiếu người vận hành, thiếu kiến thức số, thiếu nguồn lực duy trì. Vậy theo ông, vấn đề cốt lõi nằm ở đâu? Liệu chúng ta đang thiếu một hệ sinh thái thương mại điện tử đồng hành với nông thôn một cách liên tục và có trách nhiệm lâu dài?
Ông Đặng Quý Nhân: Ở đâu đó trong thực tiễn triển khai, vẫn có nhiều chương trình, dự án về thương mại điện tử bước đầu mang lại hiệu quả và thành công nhất định. Tuy nhiên, có thực tế sau khi các dự án kết thúc, không ít mô hình rơi vào trạng thái "đứt gãy", thiếu tính bền vững. Theo tôi, vấn đề mấu chốt ở đây nằm ở sự thiếu vắng của một hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững.
Một vài nguyên nhân cụ thể có thể kể đến, cụ thể:
Thứ nhất, thương mại điện tử ở nhiều địa phương vẫn đang mang tính phong trào, thiếu chiến lược bài bản và có tầm nhìn dài hạn. Các chương trình được triển khai trong thời gian ngắn, phụ thuộc nhiều vào ngân sách hỗ trợ. Khi kết thúc, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể vốn là những nhóm yếu thế không có đủ nguồn lực để tự vận hành, tự duy trì gian hàng số, tự thực hiện marketing hay vận hành đơn hàng.
Phần lớn họ chưa được trang bị kỹ năng về quảng bá sản phẩm, chiến lược thương hiệu hay quản trị số. Khi không còn bàn tay hỗ trợ, các chủ thể dễ rơi vào thế bị động, dẫn đến mô hình nhanh chóng "chết yểu".
Thứ hai, chúng ta chưa thực sự đầu tư đúng mức cho việc xây dựng nguồn nhân lực số ở khu vực nông thôn. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, chủ thể OCOP chưa có được đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử. Nếu có thì năng lực còn hạn chế, chưa thể triển khai bài bản từ khâu bán hàng online, phân tích dữ liệu thị trường, đến quản trị thương hiệu số.
Trong khi đó, để vận hành hiệu quả trên môi trường thương mại điện tử, không chỉ cần "lên sàn" là xong mà còn cần quản trị hệ thống, xây dựng kênh truyền thông, vận hành nền tảng kỹ thuật và thu hút khách hàng dựa trên dữ liệu người dùng. Đây là khoảng trống rất lớn.
Thứ ba, chúng ta đang thiếu các mô hình tổ chức trung gian tại cơ sở để hỗ trợ kỹ thuật số cho các hộ kinh doanh và hợp tác xã. Hiện nay, nhiều địa phương đang trực tiếp triển khai chương trình OCOP chưa có trung tâm hỗ trợ công nghệ số cấp cơ sở. Điều này khiến các chủ thể rất khó tiếp cận được sự hỗ trợ chuyên sâu dẫn đến chậm triển khai và thiếu tính đồng bộ.

Phiên livestream bán vải chín sớm Phương Nam tại vườn ở Quảng Ninh thu hút được đông đảo người tiêu dùng theo dõi
- Vậy cần xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử ở nông thôn như thế nào để đảm bảo tính bền vững lâu dài, tránh phong trào, thưa ông?
Ông Đặng Quý Nhân: Để khắc phục thực trạng này, theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử ở nông thôn mang tính bền vững, dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà công nghệ, nhà phân phối và nhà sản xuất.
Trong đó, Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý dài hạn, phát triển hạ tầng số, đồng thời ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ và thương mại điện tử đồng hành cùng người dân nông thôn. Không chỉ là hỗ trợ ngắn hạn để giải quyết đầu ra cho vài chục sản phẩm mà phải là sự đồng hành dài hạn, tạo nên những mô hình tiêu biểu, có khả năng nhân rộng và bền vững.
Doanh nghiệp công nghệ và các sàn thương mại điện tử cần xác định rõ vai trò không chỉ là nhà cung cấp nền tảng, mà là đối tác chiến lược của nông thôn trong hành trình chuyển đổi số.
Nhà phân phối và nhà sản xuất cần gắn kết hơn trong xây dựng chuỗi giá trị, kể được câu chuyện sản phẩm, và làm chủ công cụ số.
Quan trọng hơn, các địa phương cần nhận thức rõ rằng thương mại điện tử không chỉ là một giải pháp tình thế, mà là một nền tảng chiến lược để phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong dài hạn.
Chỉ khi thương mại điện tử được vận hành như một "mạch máu kinh tế" trong đời sống nông thôn với sự tham gia thường xuyên, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân thì nó mới thực sự trở thành đòn bẩy nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, tiến tới xây dựng nông thôn hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.
Cơ hội vàng định hình lại kinh tế nông thôn
- Thực tiễn cho thấy, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn gặp khó trong đầu ra nông sản, thiếu thị trường, và thương mại điện tử gần như chưa được đưa vào chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực. Vậy theo ông, nông thôn mới cần được định nghĩa lại như thế nào trong thời kỳ hậu công nghiệp, nơi mà sàn thương mại điện tử và công nghệ số phải trở thành một phần của hạ tầng mềm thiết yếu như đường, điện, trường, trạm?
Ông Đặng Quý Nhân: Đã đến lúc chúng ta cần tư duy lại. Không thể tiếp tục xem nông thôn mới chỉ là một không gian có đủ điện, đường, trường, trạm mà lại thiếu các yếu tố hạ tầng mềm, nhất là hạ tầng gắn với khả năng tiếp cận thị trường hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử và công nghệ số.
Trên thực tế, nhiều địa phương dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hoặc kiểu mẫu, nhưng các sản phẩm chủ lực vẫn chưa được bán hiệu quả trên nền tảng số. Việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử còn lúng túng do thiếu hạ tầng thiết yếu và thiếu kỹ năng. Đây là một khoảng trống rất lớn trong phát triển nội lực, trong đó hạ tầng số cần được coi là yếu tố cốt lõi.
Vì vậy, theo tôi, nông thôn mới trong giai đoạn tới cần được định nghĩa lại theo hướng nông thôn hiện đại, số hóa, hội nhập. Thương mại điện tử và công nghệ số không còn là yếu tố phụ trợ, mà phải được xác định là một dạng hạ tầng thiết yếu, tương đương với điện, đường, trường, trạm.
Cụ thể, bên cạnh các tiêu chí hạ tầng truyền thống, một xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai cần có:
Hạ tầng số cơ bản, bao gồm: đường truyền internet ổn định, sóng viễn thông đầy đủ, các điểm truy cập cộng đồng, trung tâm dịch vụ số tại chỗ.
Nguồn nhân lực số tại địa phương: cán bộ xã và cán bộ cơ sở phải có kỹ năng chuyển đổi số; người dân và chủ thể OCOP cần được đào tạo để biết vận hành gian hàng ảo, tham gia các phiên livestream, sử dụng công cụ phân tích dữ liệu người dùng.
Hệ sinh thái thương mại điện tử tại chỗ: mỗi xã nên có cộng tác viên chuyển đổi số, có điểm hỗ trợ thương mại điện tử, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, gắn với các câu chuyện sản phẩm, yếu tố văn hóa.
Cuối cùng, nông thôn số cũng phải gắn với sản xuất thông minh. Việc ứng dụng các công cụ như truy xuất nguồn gốc, mã QR code sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đạt chuẩn, minh bạch quy trình. Đặc biệt trong bối cảnh thật - giả lẫn lộn như hiện nay, thương hiệu OCOP nếu được truyền thông và chứng nhận đúng cách sẽ trở thành một bảo chứng uy tín không chỉ cho sản phẩm mà cho chính địa phương, tổ chức chứng nhận và người tiêu dùng.
Nói cách khác, nông thôn mới phải trở thành nông thôn thông minh. Ở đó, người dân không chỉ biết sản xuất giỏi mà còn biết bán hàng, biết tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua nền tảng số. Đó mới là hình mẫu nông thôn mới trong thời kỳ hậu công nghiệp và hội nhập sâu rộng.

Nhiều hội nghị tập huấn về thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao các kỹ năng bán hàng trực tuyến
- Thưa ông, từ góc độ điều phối chương trình quốc gia, ông có khuyến nghị gì gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền cơ sở và người dân, đặc biệt là ở các xã nông thôn mới trong việc chủ động tiếp cận và triển khai thương mại điện tử như một phần tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số nông thôn?
Ông Đặng Quý Nhân: Tôi cho rằng thương mại điện tử không còn là xu hướng hay sự lựa chọn mà phải trở thành một yêu cầu tất yếu nếu chúng ta muốn phát triển kinh tế nông thôn hiện đại, bền vững và hội nhập.
Tôi kiến nghị một số nội dung cụ thể đối với các lực lượng liên quan trong quá trình này, cụ thể:
Đối với chính quyền cơ sở, cần đổi mới tư duy, chuyển từ hỗ trợ sang kiến tạo hệ sinh thái số tại địa phương. Chính quyền cấp xã cần chủ động, tích cực đưa nội dung phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đầu tư cho hạ tầng cứng, cần chú trọng đầu tư cho hạ tầng mềm như: Đội ngũ nhân lực số; Cộng tác viên thương mại điện tử tại xã, phường; Cán bộ trẻ am hiểu công nghệ; Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ phận phụ trách kinh tế nông thôn trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế, có mô hình rất hiệu quả, việc lãnh đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tham gia livestream bán nông sản như vải tươi. Đó là minh chứng cho vai trò chủ động và trách nhiệm của chính quyền trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử, tôi kêu gọi các doanh nghiệp logistics, các sàn thương mại điện tử đồng hành với nông thôn như những nhà kiến tạo, không chỉ là đơn vị phân phối hay tiêu thụ.
Hãy đầu tư chiều sâu vào đào tạo, chuyển giao kỹ năng; đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã, chủ thể OCOP trong suốt quá trình đưa sản phẩm lên sàn. Có thể thí điểm tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó xây dựng mô hình mẫu và nhân rộng.
Đối với người dân, hộ sản xuất, hợp tác xã, sản xuất tốt là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, cần bán hàng giỏi mới thành công. Vì vậy, người dân cần chủ động học hỏi: Kỹ năng tiếp thị số, kỹ năng bán hàng online, xây dựng thương hiệu cá nhân, cách quảng bá sản phẩm gắn với câu chuyện quê hương.
Thương mại điện tử không phải việc của người khác mà là việc của chính mỗi người sản xuất. Hãy tận dụng không gian mạng để kể những câu chuyện thật, sản phẩm thật, văn hóa thật và từ đó xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn từ sản xuất truyền thống sang kinh tế số; từ chợ truyền thống sang thương mại điện tử.
Nếu chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng hành động một cách chủ động, có trách nhiệm, có tầm nhìn dài hạn, thì thương mại điện tử chắc chắn sẽ trở thành một động lực chiến lược, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh và thịnh vượng.