Khuyến nghị chọn xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế chuyên biệt

Ba phân khúc được xem là phù hợp nhất cho các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn đầu là công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và dịch vụ quản lý tài sản cho nhóm khách hàng siêu giàu (HNWIs).

Tại Hội thảo khoa học “Trung tâm tài chính quốc tế - Động lực tăng trưởng cho Việt Nam” do Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (HUB) tổ chức ngày 23/6, nhiều chuyên gia cho rằng thay vì dàn trải nguồn lực theo mô hình tổng lực như New York (Hoa Kỳ) hay London (Anh quốc), Việt Nam cần định vị chiến lược xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế theo hướng chuyên biệt và có chọn lọc, gắn với những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và xu thế toàn cầu.

Theo đó, ba phân khúc được xem là phù hợp nhất cho TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong giai đoạn đầu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và dịch vụ quản lý tài sản cho nhóm khách hàng siêu giàu (HNWIs).

TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành trung tâm thử nghiệm và xuất khẩu dịch vụ fintech nếu có khu vực công nghệ tài chính đặc thù - Ảnh: Đình Hải

TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành trung tâm thử nghiệm và xuất khẩu dịch vụ fintech nếu có khu vực công nghệ tài chính đặc thù - Ảnh: Đình Hải

Các chuyên gia dẫn báo báo cáo của Bain & Company, nhóm nghiên cứu của HUB cho rằng, Việt Nam hiện nay là thị trường fintech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 38% trong giai đoạn 2018-2023, vượt cả Indonesia (35%) và Singapore (29%).

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đang là điểm hội tụ của hơn 70% doanh nghiệp fintech cả nước, hoạt động sôi nổi ở các lĩnh vực như thanh toán số, cho vay ngang hàng, ngân hàng mở và blockchain.

Tuy nhiên, khác với Singapore - nơi đã có khung sandbox pháp lý toàn diện từ năm 2016, giúp hơn 200 sản phẩm tài chính số được thử nghiệm thành công,Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và còn thiếu hành lang pháp lý chuyên biệt.

“TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thử nghiệm và xuất khẩu dịch vụ fintech nếu có khu vực công nghệ tài chính đặc thù, đi kèm với nền tảng định danh điện tử, dữ liệu mở và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tài chính”, tham luận của Khoa Tài chính - HUB đánh giá.

Các chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu vốn cho quá trình chuyển đổi xanh là rất lớn.

Theo đó, Việt Nam cần tới 370 tỷ USD cho các mục tiêu khí hậu từ nay đến 2040. Dù đã có một số phát hành trái phiếu xanh cấp thành phố, nhưng tổng quy mô thị trường tài chính xanh Việt Nam hiện mới ở mức 1,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (9,2 tỷ USD) hay Indonesia (5,4 tỷ USD).

Vì vậy các chuyên gia đề xuất TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng một “Trung tâm tài chính xanh” với chức năng xếp hạng ESG, phát hành và giám sát trái phiếu xanh, đồng thời ban hành bộ tiêu chuẩn ESG quốc gia để thu hút vốn quốc tế và tránh tình trạng “greenwashing” ngày càng phổ biến.

Ở góc độ phát triển thị trường quản lý tài sản, nhiều tham luận tại Hội thảo cho rằng thị trường này tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn và cần cải cách nhiều công cụ quản lý, pháp lý để khai phá.

Dẫn báo cáo Tài sản Thế giới 2024 của Knight Frank, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam hiện có hơn 7.100 cá nhân sở hữu tài sản trên 1 triệu USD và hơn 210 người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên, với tốc độ tăng trưởng cá nhân có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên (HNWIs) đạt 9,2%/năm – nhanh thứ hai châu Á sau Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn tài sản của nhóm này đang được gửi tại Singapore, Hong Kong do Việt Nam thiếu hệ sinh thái dịch vụ quản lý tài sản chuyên biệt.

“TP. Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế – tài chính, có thể trở thành điểm đến cho các ngân hàng tư nhân quốc tế, công ty tư vấn đầu tư độc lập (RIA) và family office nếu có cơ chế cấp phép linh hoạt, chính sách ưu đãi thuế và đội ngũ tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo chuyên gia theo chuẩn quốc tế (CFA, CFP) để phát triển thị trường này một cách bài bản”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Rút kinh nghiệm từ những mô hình thành công như Zurich với thế mạnh quản lý tài sản toàn cầu, Luxembourg dẫn đầu về quỹ đầu tư xuyên biên giới, Dubai nổi bật với fintech và tài chính Hồi giáo, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng: Một Trung tâm tài chính quốc tế không nhất thiết phải ôm đồm mọi chức năng, nhưng nhất định phải có bản sắc rõ nét và năng lực cạnh tranh khác biệt.

Trong bối cảnh Việt Nam còn hạn chế về độ sâu thị trường vốn, chất lượng thể chế và nhân lực tài chính cao cấp, thì lựa chọn chiến lược phát triển trung tâm tài chính theo hướng chuyên biệt – có chiều sâu – đúng thời điểm sẽ là con đường khả thi hơn cả.

Ba phân khúc gồm fintech, tài chính xanh và quản lý tài sản không chỉ phản ánh xu thế tài chính toàn cầu mà còn phù hợp với nhu cầu nội tại và tiềm năng sẵn có của Việt Nam. “Nếu được định vị đúng vai trò, hỗ trợ bởi hành lang pháp lý linh hoạt, môi trường thử nghiệm cởi mở và nguồn nhân lực chuyên sâu, đây hoàn toàn có thể là những trụ cột đặc trưng làm nên dấu ấn riêng của Trung tâm Tài chính Quốc tế mang tên Việt Nam trên bản đồ tài chính châu Á”, các chuyên gia nhận định.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khuyen-nghi-chon-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-chuyen-biet-167722.html