Thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới

Các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam nhận định, ngành thương mại điện tử Việt Nam hiện đang tập trung xây dựng và đưa vào thực tiễn các chiến lược phát triển bền vững, từ đó sẽ có đóng góp tích cực vào nền kinh tế số.

Thương mại điện tử sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế số

Thương mại điện tử là một trong những động lực của nền kinh tế số và việc phát triển bền vững ngành này đang trở thành một yêu cầu tất yếu.

Tại Chỉ thị 18 ngày 30/5 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ nhận định, những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử.

Nhiều giải pháp đã được triển khai để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, hướng tới xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Kinh tế số Việt Nam gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử.

Kinh tế số Việt Nam gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số Việt Nam ghi nhận tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Con số này dự kiến đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, phần nhiều là nhờ lĩnh vực thương mại điện tử phát triển bùng nổ.

Hai nghiên cứu viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam là Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp, quyền Phó trưởng khoa Kinh doanh và Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh, Giảng viên ngành Kinh doanh trên ứng dụng blockchain, khoa Kinh doanh, đều thống nhất rằng thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Cụ thể, theo Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp, sau giai đoạn ảnh hưởng Covid-19 đầy biến động, thương mại điện tử Việt Nam hiện đang tập trung xây dựng và đưa vào thực tiễn các chiến lược phát triển bền vững.

“Thương mại điện tử bền vững sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, cung cấp dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho người dùng, từ đó đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế số”, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh phân tích.

Bốn trọng tâm phát triển thương mại điện tử bền vững

Hai nghiên cứu viên của Đại học RMIT Việt Nam cũng chỉ ra rằng, có 4 trọng tâm mà ngành thương mại điện tử cần tập trung vào để phát triển bền vững, đó là mô hình kinh doanh bền vững, cơ sở hạ tầng bền vững, nguồn nhân lực số chất lượng cao, và công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững dựa trên khung ESG (môi trường, xã hội và quản trị) sẽ trở thành yêu cầu thiết yếu cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được tầm nhìn và định hướng phát triển trong thời đại kỹ thuật số.

Doanh nghiệp cũng nên tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và dựa trên hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ. “Một nhiệm vụ quan trọng không kém là phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững để nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi và khả năng cung cấp giá trị, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số”, Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp nhận định.

Về cơ sở hạ tầng, Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp phân tích, đầu tư cho hạ tầng đã được các doanh nghiệp chú trọng, điển hình là đầu tư lắp đặt, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu, khai thác dữ liệu, tự động hóa, đám mây, trí tuệ nhân tạo.

An toàn thông tin là ưu tiên cấp thiết để nâng cao khả năng phát triển bền vững thương mại điện tử. Hệ thống logistics hiệu quả cũng rất quan trọng cho việc kết nối đầu cuối trong toàn bộ chuỗi cung ứng và gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Các chuyên gia nhận định, an toàn thông tin là ưu tiên cấp thiết để nâng cao khả năng phát triển bền vững thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: N.Ngọc)

Các chuyên gia nhận định, an toàn thông tin là ưu tiên cấp thiết để nâng cao khả năng phát triển bền vững thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: N.Ngọc)

Nhận định chi phí logistics chiếm khoảng 10 - 20% giá thành sản phẩm, chuyên gia RMIT khuyến nghị, để tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và blockchain.

Để phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh đề xuất, cần có thêm các trường đại học, cao đẳng giảng dạy học phần thương mại điện tử trong các chuyên ngành như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, CNTT, tiếp thị số, tài chính ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

“Về phía doanh nghiệp thương mại điện tử, họ nên xây dựng mô hình phát triển và quản lý nguồn nhân lực đảm bảo ba yếu tố: đa dạng, công bằng và hòa nhập. Họ cũng nên tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ năng lãnh đạo, hợp tác, sáng tạo trong giải quyết vấn đề”, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh nêu quan điểm.

Mặt khác, người tiêu dùng giờ đây có xu hướng mua sắm thông minh hơn. Họ mong chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn thay vì chỉ “săn” ưu đãi giảm giá đơn thuần. Họ cũng ngày càng tìm kiếm nhiều hơn các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Vì thế, vị chuyên gia RMIT nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua nếu muốn nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng một cách toàn diện. Trong đó có thể kể đến các sáng kiến mới như kết hợp mua sắm với giải trí, cá nhân hóa và công nghệ thực tế ảo. “Các doanh nghiệp thương mại nên đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ trong từng ‘điểm chạm’ xuyên suốt hành trình mua sắm của khách hàng. Đó là một cách để doanh nghiệp có được sự trung thành của khách hàng”, chuyên gia RMIT đề xuất.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-dang-buoc-vao-thoi-ky-phat-trien-moi-2162950.html