Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá
Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương và Amazon Global Selling Việt Nam vừa tổ chức Công bố sáng kiến 'Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá'.
• TRANG BỊ THÊM SỨC MẠNH CHO DOANH NGHIỆP
“Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương”, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.
Thứ trưởng nhận định, cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Không nằm ngoài xu thế, ở trong nước, những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19. Năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của doanh nghiệp Việt tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Song, bên cạnh những cơ hội phát triển, vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong TMĐT xuyên biên giới và xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới...
Do vậy, sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” được kỳ vọng, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai chuyển đổi số, trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
• HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO 10.000 DOANH NGHIỆP VIỆT
Ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, sáng kiến hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026, với Chương trình Đào tạo, tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến trên khắp cả nước. Tham gia Chương trình, các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam sẽ được đào tạo với đa dạng nội dung như: TMĐT xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, mục tiêu của Cục là thúc đẩy sự phát triển về TMĐT và kinh tế số tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu dài hạn này, việc trang bị cho doanh nghiệp và cộng đồng những thông tin, kiến thức cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai thương mại điện tử và áp dụng ứng dụng kinh tế số là yếu tố vô cùng quan trọng. Sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” là sáng kiến dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi chương trình đào tạo chuyên sâu, phương pháp tiếp cận linh hoạt.
Cũng trong dịp này, Amazon Global Selling Việt Nam cũng công bố Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện bởi AlphaBeta thông qua việc khảo sát 300+ doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Báo cáo chỉ ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. 88% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam nhận định TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của họ, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.
Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam” mong muốn cung cấp góc nhìn thiết thực cho các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong ngành đưa ra các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho vấn đề xuất khẩu qua TMĐT. Song song với đó, hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với Amazon Global Selling Việt Nam là nỗ lực hỗ trợ kịp thời và dài hạn đến từ Chính phủ và các đơn vị trong ngành nhằm phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam.
Lâm Đồng cũng đang tích cực động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tham dự các khóa tập huấn trực tiếp và trực tuyến để tham gia các sàn TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thông tin, quy trình, kiến thức để có thể đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT quốc tế, trực tiếp đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đây là một trong những ưu tiên của Lâm Đồng nhằm phát triển TMĐT ngay tại địa phương.
D.Q (theo MOIT)