Thương mại hóa kết quả nghiên cứu:Nút thắt đã được tháo bỏ

Theo Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhà khoa học có thể đưa kết quả nghiên cứu của mình vào doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, dịch vụ.

Việc tháo bỏ nút thắt này sẽ là động lực quan trọng đưa khoa học Việt Nam đến bước phát triển mới.

Giải tỏa các rào cản

Khách tham quan các sản phẩm giới thiệu tại Hội thảo “Công nghệ đóng gói, kiểm thử tiên tiến: Cơ hội cho Việt Nam”, ngày 14-3.

Khách tham quan các sản phẩm giới thiệu tại Hội thảo “Công nghệ đóng gói, kiểm thử tiên tiến: Cơ hội cho Việt Nam”, ngày 14-3.

PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ ra những rào cản trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các đề tài và kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước chịu sự chi phối bởi các quy định, chính sách chưa đồng bộ. Ví dụ, kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu Nhà nước, nhưng việc triển khai lại do các nhà khoa học thực hiện.

Tuy nhiên, vì kết quả này không được giao quyền sở hữu cho đơn vị chủ trì hoặc nhà khoa học, nên họ không thể thương mại hóa một sản phẩm mà họ không thực sự sở hữu. Ở Việt Nam chưa có tổ chức chuyên nghiệp nào đảm nhiệm định giá về công nghệ cũng là một rào cản.

Theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, nếu kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, lợi nhuận sẽ được hoàn trả cho Nhà nước theo tỷ lệ đóng góp ngân sách. Nếu Nhà nước tài trợ 100%, toàn bộ lợi nhuận phải nộp lại, nên các nhà khoa học không được hưởng gì. Ngoài ra, theo Luật Ngân sách nhà nước, nếu một đơn vị nghiên cứu thương mại hóa thành công và thu lợi nhuận, khoản này sẽ bị trừ vào ngân sách đầu tư năm sau.

“Quy định này không tạo động lực khuyến khích các nhà khoa học và các đơn vị thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, PGS.TS Phan Tiến Dũng nhìn nhận.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Luật Viên chức, các giảng viên trường đại học không thể mở doanh nghiệp nên họ thường bán kết quả cho các công ty. Việc chưa có cơ chế định giá và xác định quyền sở hữu sản phẩm, tài sản nghiên cứu cũng là khó khăn lớn để chuyển giao công nghệ.

"Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có một số cơ sở nghiên cứu về sàng lọc hợp chất thiên nhiên để chế tạo dược phẩm nhưng khi chuẩn bị chuyển giao công nghệ thì các bên đều loay hoay không biết chia sẻ quyền lợi thế nào vì chưa có cơ chế hợp tác với doanh nghiệp”, PGS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ.

Mang lại lợi ích cho nhà khoa học và Nhà nước

GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ là cầu nối giữa nghiên cứu và thị trường, mà còn là “chìa khóa” thúc đẩy năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các nhà khoa học rất hào hứng khi Nghị quyết số 57-NQ/TƯ và Nghị quyết số 193/2025/QH15 đã xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc khu vực công lập tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu của họ.

Theo Nghị quyết số 193/2025/QH15, cơ sở nghiên cứu theo từng loại hình tổ chức được sử dụng hoặc sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động thương mại hóa. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được tham gia lập và điều hành doanh nghiệp. Nghị quyết cũng quy định rõ việc định giá tài sản, thẩm quyền và thủ tục phê duyệt hay cho phép viên chức tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, góp vốn. Đây là những chính sách mạnh mẽ để sớm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn trước đây.

Chính phủ đang xây dựng chính sách ưu đãi về vốn và thuế. Theo đó, mọi doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo (kể cả khởi nghiệp sáng tạo) sẽ được khấu trừ chi phí chịu thuế lên đến 150%. Ngoài ra, các yếu tố như quỹ đầu tư mạo hiểm, hạ tầng khoa học công nghệ (đặc biệt là phòng thí nghiệm) sẽ được quan tâm đầu tư với tổng chi từ 20% đến 25% ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của quốc gia trong 5-10 năm tới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tin rằng, việc “mở cửa” cho các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp từ tri thức sáng tạo sẽ tạo cơ hội để các nhà khoa học đóng góp trực tiếp vào phát triển đất nước. Khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa sẽ tạo ra công ăn việc làm, đồng thời đất nước sẽ có trình độ khoa học, công nghệ cao hơn, Nhà nước sẽ thu được thuế. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học, công nghệ.

Theo Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-nut-that-da-duoc-thao-bo-697470.html