Thương mại hóa sản phẩm từ dự án khởi nghiệp, nhà trường không để SV 'tự bơi'

Dự án NIION không chỉ là một ý tưởng công nghệ mà còn là một giải pháp thiết thực cho vấn đề môi trường ở nông thôn.

“Ý tưởng làm viên nén sinh khối từ vỏ tỏi được hình thành như một lời giải cho bài toán “biến rác thành tài nguyên”” - đó là chia sẻ của Đinh Văn Nam, thành viên nhóm nghiên cứu dự án “NIION - Viên nén sinh khối tốt cho sức khỏe có nhiệt trị cao từ vỏ tỏi đầu tiên trên thế giới” (sau đây gọi tắt là Dự án NIION).

Dự án này của sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc đạt Giải Ba trong lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội tại Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII (SV_STARTUP - LẦN THỨ VII), diễn ra ngày 20/4/2025.

 Dự án NIION của nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đạt Giải Ba trong lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội tại Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII. (Ảnh: NVCC)

Dự án NIION của nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đạt Giải Ba trong lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội tại Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII. (Ảnh: NVCC)

Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định sự sáng tạo, đóng góp tích cực của sinh viên nhà trường trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo ra giá trị bền vững.

Sản phẩm đầu tiên trên thế giới ứng dụng vỏ tỏi làm viên nén

NIION là giải pháp chuyển đổi vỏ tỏi - phụ phẩm nông nghiệp thành viên nén năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu mồi đốt và than nướng có nhiệt trị cao. Sản phẩm không chỉ tiết kiệm, góp phần giảm lượng than củi do chặt phá cây rừng, bảo vệ rừng môi trường và góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng. Dự án cung cấp đa dạng sản phẩm như: viên nén sinh khối cacbon hóa, mồi lửa sinh học, than nướng thực phẩm cao cấp.

Chia sẻ về lý do để nhóm sinh viên phát triển ý tưởng viên nén sinh khối từ vỏ tỏi, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Đinh Văn Nam - sinh viên năm 2 ngành Công nghệ tài chính Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (đại diện nhóm) cho biết, ý tưởng cho dự án bắt đầu từ chính những trải nghiệm thực tế rất gần gũi.

Gia đình Nam có xưởng sản xuất nông sản, mỗi ngày, xưởng thải ra hàng tấn vỏ tỏi - một loại phụ phẩm không thể chôn lấp như rác hữu cơ thông thường do chứa nhiều hợp chất kháng sinh tự nhiên. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn khiến gia đình Nam tốn kém đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho việc xử lý vỏ tỏi.

Xuất phát từ đó, bản thân Nam và nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi liệu rằng vỏ tỏi - thứ tưởng chừng vô giá trị, có thể trở thành một nguồn tài nguyên mới được hay không?

“Chúng em nhận ra rằng, vỏ tỏi khô có nhiệt trị cao, ít phát thải khí CO₂ như đốt củi cháy và còn mang đặc tính kháng khuẩn, khử mùi – những yếu tố quý giá nếu biết cách khai thác đúng. Ý tưởng làm viên nén sinh khối từ vỏ tỏi giúp tạo ra một nguồn nhiên liệu đốt thân thiện hơn.

Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, chúng em còn được thôi thúc bởi khát vọng tạo ra một sản phẩm thuần Việt, ứng dụng tri thức khoa học để nâng tầm giá trị nông sản trong nước – và đó chính là lúc NIION ra đời”, Nam chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm sinh viên gặp rất nhiều khó khăn. Và thử thách lớn nhất là làm thế nào để giữ được nhiệt trị ổn định cho viên nén mà không cần sử dụng chất kết dính hóa học. Ban đầu, nhóm thử nghiệm với sáp đậu nành và nhựa thông, nhưng kết quả chưa đáp ứng yêu cầu về độ cứng, khả năng cháy và an toàn sức khỏe. Do đó, nhóm đã quyết định lựa chọn hướng cơ học, xử lý và nén vỏ tỏi bằng áp suất cao, không thêm phụ gia. Điều này đòi hỏi nhiều lần tinh chỉnh tỷ lệ độ ẩm – kích thước hạt – lực nén.

Nam chia sẻ, có lần cả nhóm làm việc đến đêm khuya chỉ để kiểm tra độ cháy của từng viên nén trong điều kiện khác nhau. Những buổi họp trực tuyến liên tục, phân tích dữ liệu, và thử nghiệm sản phẩm thực tế đã giúp nhóm tìm ra công thức tối ưu, đảm bảo viên nén đạt chuẩn mà vẫn giữ tính an toàn sinh học.

 Ảnh chụp sản phẩm viên nén sinh khối tốt cho sức khỏe có nhiệt trị cao từ vỏ tỏi. Ảnh: NVCC

Ảnh chụp sản phẩm viên nén sinh khối tốt cho sức khỏe có nhiệt trị cao từ vỏ tỏi. Ảnh: NVCC

Nhằm kiểm chứng tính độc đáo và khả năng thương mại hóa của sản phẩm trên thị trường ở trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đã chủ động khảo sát thị trường, từ các hộ gia đình đến các cơ sở kinh doanh nông sản, nhà hàng – những đối tượng có nhu cầu sử dụng nhiên liệu đốt sạch, thân thiện với môi trường. Phản hồi ban đầu về sản phẩm rất tích cực, đặc biệt ở yếu tố không tạo khói độc như than tổ ong hay củi truyền thống, tạo cảm giác an tâm khi sử dụng trong không gian sinh hoạt.

Bên cạnh đó, nhóm sinh viên cũng tiến hành so sánh trực tiếp với các viên nén sinh khối phổ biến như từ trấu, mùn cưa,... và nhận thấy NIION có nhiều ưu thế nổi bật hơn như: khối lượng nhẹ, dễ bắt cháy, ít tàn tro và đặc biệt là tận dụng nguồn phụ phẩm độc đáo chưa từng được khai thác đúng giá trị.

Đáng chú ý, tại Ngày hội Khởi nghiệp học sinh sinh viên – SV_STARTUP lần thứ VII, nhóm sinh viên đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm khách hàng tiềm năng và nhận được nhiều phản hồi tích cực về sản phẩm của dự án.

“Điều khiến chúng em bất ngờ và cũng rất tự hào là không chỉ người tiêu dùng phổ thông mà cả các dược sĩ, chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến sản phẩm. Một số đơn vị thậm chí ngỏ ý muốn đưa NIION về phân phối tại các cửa hàng chuyên doanh thảo dược, sản phẩm sạch – điều đó càng khẳng định thêm tiềm năng thương mại hóa và mở rộng của NIION trong tương lai”, Nam chia sẻ.

Dự án NIION xuất sắc đạt giải Ba tại Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII là một cột mốc đáng nhớ đối với nhóm sinh viên. Dự án NIION không chỉ là một ý tưởng công nghệ mà còn là một giải pháp thiết thực cho vấn đề môi trường nông thôn. Yếu tố tạo nên thành công này là nhờ sự kết hợp giữa tính đổi mới sáng tạo, tính khả thi và tính tác động xã hội rõ ràng của dự án.

Nam cho biết, trong thời gian tới, nhóm sẽ tập trung phát triển dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ tại địa phương, kết hợp với nông dân để xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn. Song song đó là việc hoàn thiện bao bì, nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ và tiếp cận các chương trình ươm tạo, gọi vốn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất có lẽ là nguồn lực tài chính và kỹ thuật để mở rộng sản xuất, chuẩn hóa quy trình. Do đó, nếu có sự đồng hành của cố vấn, doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, Dự án NIION sẽ sớm tiến xa hơn nữa.

Là những người trẻ dấn thân vào con đường kết hợp giữa khoa học – khởi nghiệp – bảo vệ môi trường, với Dự án NIION, Nam tâm niệm: "Đừng chờ đến khi mọi điều kiện hoàn hảo mới bắt đầu. Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất – dù chỉ là một chiếc vỏ tỏi”. Bởi đôi khi, chính những điều nhỏ bé và tưởng chừng như vô giá trị lại có thể mở ra những hướng đi không ai ngờ tới. Mỗi ý tưởng, nếu xuất phát từ mong muốn chân thành được cống hiến, được tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng, đều xứng đáng được trao cơ hội phát triển.

“Với người trẻ chúng em, khởi nghiệp không đơn thuần là lập một công ty hay gọi vốn đầu tư, mà đó là hành trình bền bỉ tìm lời giải cho những bài toán thực tiễn – hành trình đòi hỏi sự kết hợp giữa tri thức, lòng kiên định và cả sự nhẫn nại trước những thất bại. NIION là thành quả chung của cả một hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo, và chúng em thật sự tự hào vì đã là một phần của hành trình đó. Chúng em gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy cô – những người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng và niềm tin cho chúng em dám bước ra khỏi vùng an toàn; các nhà tài trợ, tổ chức hỗ trợ đã tạo ra sân chơi chuyên nghiệp và môi trường cởi mở để chúng em thể hiện bản thân”, Nam bày tỏ.

Không để sinh viên “tự bơi” dẫn tới thất bại khi thương mại hóa sản phẩm

Để có được thành công của Dự án NIION không thể không kể đến những thầy/cô luôn sẵn sàng định hướng, hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu, khởi nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Đào Thanh Khê - Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, CEO Công ty TNHH thiết bị thực phẩm Pháp Việt, cố vấn kỹ thuật của Dự án NIION cho biết, dự án có rất nhiều tiềm năng như nguồn nguyên liệu đang chưa được sử dụng đúng cách; sản phẩm của dự án sử dụng trong chuyến dã ngoại, xông, nướng,... vẫn còn thiếu do nguyên liệu than cũng đang dần cạn kiệt.

Trong vai trò của người định hướng khoa học, để giúp nhóm sinh viên cân bằng giữa tính sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tiễn và yêu cầu chặt chẽ của một sản phẩm nghiên cứu khởi nghiệp, Thạc sĩ Khê chia sẻ, thầy cô luôn nhấn mạnh đến việc sinh viên làm nghiên cứu phải có tính khoa học, sản phẩm có giá trị sử dụng ra sao, phù hợp với vùng nào, khách hàng hướng tới là ai; tiềm năng kinh doanh như thế nào; đối thủ là ai, nếu sản phẩm làm ra trên thị trường có quá nhiều đối thủ, nhiều bất tiện thì cần xem xét đến tính độc đáo, tiện lợi khi sử dụng.

Theo dõi hành trình phát triển của Dự án NIION và thành tích đạt được của nhóm sinh viên, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn kinh doanh cho Dự án NIION khẳng định vai trò của giáo dục đổi mới sáng tạo trong trường đại học hiện nay.

 Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa. Ảnh: NVCC

Với kinh nghiệm thực tiễn từ việc cố vấn kinh doanh cho Dự án NIION, cô Thoa cho rằng, nhóm sinh viên cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm mẫu, nâng cao chất lượng và mẫu mã. Bên cạnh đó, các em cũng cần tính toán chi phí đầu tư, hiệu suất sản phẩm để đưa giá sản phẩm thấp nhất có thể nhưng vẫn có lãi.

Hơn nữa, nhóm cần tìm kiếm nhà đầu tư; sáng tạo mở rộng lĩnh vực ứng dụng để tăng khả năng sử dụng, trong đó chú ý đến những tính chất độc đáo của sản phẩm mà không sản phẩm nào có được.

Trước thực tế sinh viên khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, cô Thoa bày tỏ, để giải quyết khó khăn này, nhà trường và các tổ chức trung gian cần hỗ trợ các dự án ở giai đoạn đầu tiền ươm tạo, ươm tạo hoàn thiện sản phẩm mẫu mô hình kinh doanh, kiểm chứng thị trường để xem xét tính khả thi của sản phẩm với thị trường.

Sau đó, khi sản phẩm đạt khả thi thì cần có sự hỗ trợ pháp lý, luật, sở hữu trí tuệ, giấy phép,... và có ban đào tạo các bước chuẩn bị để tung sản phẩm ra thị trường, đồng thời kết nối các nhà đầu tư cùng góp vốn để có nguồn vốn kinh doanh, kinh nghiệm hỗ trợ đồng hành; không để sinh viên “tự bơi” dẫn tới thất bại khi thương mại hóa mặc dù dự án rất khả thi.

Viên nén sinh khối được sản xuất từ vỏ tỏi mang lại nguồn năng lượng sạch, hiệu suất cao và giúp giảm tới 80% lượng khí CO₂ phát thải. Mồi lửa từ vỏ tỏi chứa các hợp chất tự nhiên như allicin, ajoene, diallyl disulfide, vừa bắt lửa tốt vừa có khả năng đuổi muỗi hiệu quả tới 90%, an toàn cho sức khỏe và không gây hại đến môi trường.

Than nướng thực phẩm cao cấp từ vỏ tỏi đem lại hương vị tự nhiên, dễ chịu, không gây mùi khói độc hại – với hơn 75% người tiêu dùng đánh giá cao và ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, sản phẩm hỗ trợ y tế cộng đồng sử dụng các hoạt chất sinh học từ vỏ tỏi như allicin, flavonoid và polyphenol để ức chế sự phát triển của muỗi truyền bệnh, giúp giảm đáng kể số ca sốt xuất huyết (ước tính giảm 20% trong 3 năm tại khu vực triển khai).

Thông qua việc tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp kết hợp cùng công nghệ sản xuất hiện đại, NIION không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng – một hướng đi mới bền vững cho tương lai xanh.

Giá trị giải pháp của dự án

Bảo vệ môi trường: NIION tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu việc đốt, than nướng năng lượng sạch trị nhiệt cao đầu tiên trên thế giới tốt sức khỏe, tiết kiệm, tiện lợi, giảm thiểu phát thải, tăng trải nghiệm, tăng hương vị món ăn cho người dùng trong thế giới khan hiếm nguyên liệu và tài nguyên hiện nay.

Sản phẩm hỗ trợ sức khỏe: Vỏ tỏi chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là flavonoid và axit phenylpropanoic, có tác dụng chống viêm, chống lão hóa và tăng cường hệ miễn dịch.

Đối với xã hội:

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp: Việc sử dụng vỏ tỏi giúp giảm thiểu lãng phí, biến phế phẩm thành nguyên liệu có giá trị, góp phần bảo vệ môi trường.

Tăng thu nhập cho nông dân: Bằng cách thu mua vỏ tỏi, dự án tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân, cải thiện đời sống kinh tế địa phương.

Sản xuất phân bón hữu cơ: Sau khi đốt lấy năng lượng phần còn lại của vỏ tỏi có thể được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, hỗ trợ canh tác bền vững.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thuong-mai-hoa-san-pham-tu-du-an-khoi-nghiep-nha-truong-khong-de-sv-tu-boi-post251049.gd