Thương mại Việt Nam-Trung Quốc tăng hơn 8 lần sau 15 năm

Năm nay kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. 15 năm qua, hai bên đã đạt được những kết quả hợp tác đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế thương mại là điểm sáng nổi bật hơn cả.

Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên VOV tại Bắc Kinh, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, sau 15 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 8 lần, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tăng gần 10 bậc, trong khi tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.

PV: Sau 15 năm Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên đã gặt hái được nhiều thành quả hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng nổi bật trong bức tranh tổng thể này. Vậy theo Tham tán, đâu là những kết quả đáng ghi nhận trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước thời gian qua?

Ông Nông Đức Lai: Kết quả hợp tác kinh tế thương mại hai nước sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện có thể đúc kết ở một số kết quả như sau:

Trước hết, kim ngạch thương mại của Việt Nam – Trung Quốc không ngừng đạt tăng trưởng. Nếu như năm 2008, khi hai nước thiết lập khuôn khổ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt đến 175,5 tỷ USD. Sau 15 năm kim ngạch thương mại 2 nước tăng hơn 8 lần, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp hơn.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

Thứ hai là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu từng bước được cải thiện. Cơ cấu sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông thủy sản được chuyển dịch dần từ sản phẩm thô sang thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được tăng lên.

Thứ ba, hai Bên tăng cường mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau. Trong những năm qua, nhiều sản phẩm có thế mạnh, giá trị xuất khẩu cao của ta đã có mặt trên thị trường Trung Quốc, đến nay, ta đã có hơn 10 loại trái cây, trên 120 loại thủy sản và nhiều sản phẩm nông lâm sản khác nhau được mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị cao như quả sầu riêng hay tổ yến…

Thứ tư, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới.

Thứ năm là đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã có những tăng trưởng vượt bậc. Sau gần 15 năm, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng gần 10 bậc, hiện nay Trung Quốc đứng thứ 6 trong hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

PV: Trong năm 2023, sau khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành quốc gia danh dự tại nhiều sự kiện kinh tế thương mại quan trọng tại Trung Quốc từ Trung ương đến địa phương. Động thái này nói lên điều gì thưa ông?

Ông Nông Đức Lai: Như chúng ta đã thấy, sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh dần khôi phục, các sự kiện kinh tế thương mại như hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương... đã được tổ chức bình thường trở lại như trước đây.

Điều đáng nói ở đây là trong các sự kiện được tổ chức từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã được nước chủ nhà mời tham gia nhiều sự kiện với tư cách là quốc gia danh dự như Hội chợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế Trung Quốc (CISMEF) tại Quảng Châu; Hội chợ xuất nhập khẩu hàng hóa các nước RCEP tại Sơn Đông; Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) tại Thượng Hải... Điều này cho thấy sự coi trọng của nước chủ nhà đối với Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai nước, đồng thời cũng cho thấy vai trò, sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai bên?

Ông Nông Đức Lai: Trước hết, Việt – Trung là hai nước láng giềng có chung đường biên giới, tương đồng về thể chế chính trị và gần gũi về văn hóa xã hội, đặc biệt là sự tin cậy chính trị, nhận thức chung của Lãnh đạo cao cấp hai Đảng, hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 6/2023) và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là nền tảng, tiền đề quan trọng để hợp tác kinh tế - thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hợp tác kinh tế thương mại có mức bổ trợ lẫn nhau rất cao và còn tiềm năng rất lớn. Hai bên đang đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản, hoa quả Việt Nam, ngược lại ta cũng nhanh chóng xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản thực phẩm của Trung Quốc; thúc đẩy ký kết Nghị định thư đối với các loại nông sản có hoạt động thương mại truyền thống; và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách để thúc đẩy thương mại hai bên.

Bên cạnh đó, dư địa và tiềm năng hợp tác với các vùng/địa phương Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt là tiềm năng hợp tác thương mại hàng hóa của Việt Nam với các địa phương nằm sâu trong lục địa, khu vực phía Bắc. Sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và mở cửa trở lại, hoạt động xúc tiến thương mại- đầu tư, khảo sát thị trường của các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong nước đã tập trung vào khai thác các địa bàn có tiềm lực kinh tế hàng đầu của Trung Quốc như Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Tứ Xuyên..., mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng về đầu tư, thương mại.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bích Thuận-Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-tang-hon-8-lan-sau-15-nam-post1064232.vov