Thương mại Việt - Pháp trước khi trở thành Đối tác chiến lược toàn diện
Thương mại song phương Việt - Pháp đang phục hồi chậm, chỉ gần 7% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với bức tranh xuất nhập khẩu chung của Việt Nam
Năm 2024 đánh dấu cột mốc 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp và 11 năm kể từ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù phải đối mặt với nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở rộng và đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp vào ngày 6-7/10 vừa qua đã đánh dấu bước tiến mới khi quan hệ song phương được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương mới đầy hứa hẹn cho hợp tác hai nước.
Trong tuyên bố chung giữa hai nước mới đây, thương mại được xem là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.
Thời gian qua, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đã giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó Pháp là một đối tác thương mại quan trọng.
Kim ngạch thương mại Việt - Pháp tăng trưởng trung bình 3%/năm từ năm 2013 đến nay, nhưng trước đại dịch Covid-19, tốc độ này đã đạt tới 16%/năm trong giai đoạn 2011-2019.
Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau mức đỉnh năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại Pháp.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế Pháp chỉ đạt 0,9%, dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ khoảng 0,7% và sẽ tăng tốc vào năm 2025 với 1,3%, theo Ủy ban châu Âu.
Theo Tổng cục Hải quan, tám tháng đầu năm nay, thương mại Việt - Pháp chỉ đạt 3,4 tỷ USD, tăng nhẹ gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 17% trong tám tháng.
Việt Nam liên tục duy trì xuất siêu với Pháp, trung bình gần 1,8 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ qua, với đỉnh điểm là năm 2018 khi Việt Nam xuất siêu hơn 2,4 tỷ USD.
Hiện tại, Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam trong EU, sau Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ; là thị trường lớn thứ 24 của Việt Nam với thế giới.
Trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Pháp, máy móc, thiết bị và phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng là hai nhóm hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với 21% bình quân mỗi năm trong một thập kỷ qua.
Đáng chú ý, danh sách này có ba mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng bình quân âm từ 1-4% gồm thủy sản; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Tại Pháp, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng lượng hàng nhập khẩu vào nước này trong năm 2023 và xếp thứ 22 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường này.
Các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam tại Pháp gồm giày dép (chiếm 17% thị phần), sản phẩm từ rơm cói, mây tre (gần 16%), và mũ (gần 10%).
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa Pháp nhiều thứ ba trong khối EU, chỉ sau hàng Đức và Ireland. Ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 51 của Pháp.
Mặt hàng nhập khẩu chính từ Pháp là dược phẩm, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7%/năm trong thập kỷ qua, tiếp theo là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, gỗ, mỹ phẩm, và sữa.
Đáng chú ý, trong các mặt hàng được nhập khẩu từ Pháp, ô tô nguyên chiếc có mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 175%/năm trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, con số này lớn như vậy bởi mặt hàng này có sự trồi sụt rất mạnh trong giai đoạn bốn năm gần đây, trong đó thấp điểm nhất là vào năm 2022 khi Việt Nam chỉ nhập khẩu 2 chiếc ô tô từ nước này và ngay lập tức có sự hồi phục mạnh vào năm 2023 với 21 chiếc được nhập nguyên chiếc từ Pháp.
Không riêng ô tô nguyên chiếc, tình trạng nhập khẩu 'trồi sụt' từ Pháp có ở gần như tất cả các mặt hàng chủ lực trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, duy trì mức nhập khẩu tăng trưởng ổn định nhất là hai nhóm hàng gồm gỗ và sản phẩm gỗ; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.