Thương nhân chung tay xây dựng thương mại điện tử xanh
Đợt vận động 'Giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử' thu hút sự tham gia của 500 thương nhân, nền tảng thương mại điện tử.
Thương mại điện tử tỷ đô đã thải ra 332 nghìn tấn bao bì
Báo cáo năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chỉ ra, tại Việt Nam, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2023 ước khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hóa là 1,84 tỷ. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD.
Đi kèm với con số tỷ đô đó là 332 nghìn tấn bao bì được sử dụng, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Con số này được dựa trên cơ sở tính toán quy mô bán lẻ trực tuyến và các dữ liệu về số đơn hàng, phân bổ khối lượng đơn hàng, giá trị trung bình của đơn hàng theo các kênh mua bán, mức độ sử dụng bao bì, vật liệu nhựa.
“Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. Nguyên nhân chính là việc đóng gói bằng hộp carton vừa tăng chi phí bao bì, vừa tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các loại vật liệu nhựa sử dụng trong đóng gói rất rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát” - WWF phân tích.

Giao hàng trên đường Phạm Văn Bạch - Cầu Giấy.
Dự báo, với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Đợt vận động “Giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử” được WWF triển khai có mục tiêu truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp, thương nhân hiểu về tác động của bao bì nhựa trong mỗi gói hàng đến môi trường và sức khỏe con người.
Đồng thời, WWF muốn giới thiệu các giải pháp khuyến khích thương nhân sử dụng vật liệu thay thế thân thiện môi trường, mỗi gian hàng là một địa chỉ xanh trên sàn thương mại điện tử.
Theo báo cáo khảo sát của WWF, nhiều thương nhân và các sàn thương mại điện tử đã tham gia chiến dịch trực tiếp và gián tiếp về mức độ nhận biết tác hại của bao bì nhựa và mong muốn thay đổi.
“Qua truyền thông chúng tôi nắm được nhựa khi ra môi trường rất khó phân hủy, gây ra lượng rác khổng lồ. Nếu chôn lấp thì không thể phân hủy, gây tắc sông hồ…nếu đốt thì sản sinh ra loại khí độc hại” - chị Ngô Thanh Thủy, giám đốc Công ty mỹ phẩm Long Khánh ở Hà Nội, chia sẻ.
Tỉ lệ chuyển đổi sang vật liệu thân thiện môi trường tăng cao rõ rệt. Hơn 87% các shop online đã chủ động tìm hiểu phương pháp thay thế bao bì nhựa sang vật liệu thân thiện môi trường hơn, như thay đổi quay cách đóng gói, kích thước hộp không quá rộng so với sản phẩm để giảm vật liệu lót, chống sốc; sử dụng vật liệu thay thế như giấy báo cũ, lá cây khô, rơm…để chèn trong gói hàng thay cho sốp, mút, bọt bóng; đặc biệt, một số thương nhân chủ động thu hồi vỏ hộp cũ, “xin lại” từ bạn bè để tận dụng lại trong đóng hàng.
“Bình thường cứ bóc hàng ra là vứt hộp/ túi vào thùng rác ngay. Nhưng bây giờ mình cũng xanh hóa bằng cách dặn mọi người trong gia đình gom lại các vỏ hộp carton từ mua hàng online, để vào một góc. Khi mình đóng hàng cho khách, tận dụng lại” - chị Phan Huyền Trang (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Dùng báo cũ chèn lót trong gói hàng.
Còn chị Giáp Thị Linh Chi - chủ shop Chy Chy trên sàn tiktok thì tận dụng giấy báo cũ trong đóng gói hàng hóa.
“Mặt hàng của tôi là mỹ phẩm và phụ kiện, nhiều lọ thủy tinh rất dễ vỡ hoặc phụ kiện thời trang bị móp méo trong quá trình vận chuyển nên phải cần lớp lót. Tôi vẫn dùng túi ni-lon chống sốc nhưng chỉ quấn quanh một vòng, còn lại sẽ sẽ dùng giấy báo hoặc lá cây chèn vào trong hộp” - Chị Linh Chi cho biết.
Quy trình mày mò, chi phí chuyển đổi cao
Báo cáo của WWF chỉ ra, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam đưa ra đánh giá định lượng quy mô bao bì, bao gồm vật liệu, dụng cụ nhựa phát sinh từ kinh doanh trực tuyến.
Quy mô sử dụng bao bì, vật liệu nhựa trong thương mại điện tử phụ thuộc vào doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến và dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ, số lượng đơn hàng, khối lượng và thành phần bao bì, dụng cụ nhựa sử dụng cho mỗi đơn hàng.

Mỗi gói hàng đều mang theo rác nhựa.
Một số doanh nghiệp không mặn mà khi tiếp cận chương trình giảm bao bì nhựa, họ cẩn trọng trong tiết lộ tên hoặc quy trình đóng gói. Thậm chí có doanh nhân ngại bị “làm phiền”.
Khó khăn lớn nhất đó là chi phí chuyển đổi vật liệu cao. “Việc sử dụng các vật liệu thay thế như túi sinh học, hộp carton tùy chỉnh kích cỡ… chỉ phù hợp với mặt hàng giá cao “kén khách” còn sản phẩm đại trà cần giá rẻ, giao nhanh thì việc đầu tư cho cuộc chuyển đổi bao bì là bài toán kinh tế” - một thương nhân khẳng định.
Ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử - nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi. Ông cho rằng, trong kinh doanh cái đặt lên đầu tiên là lợi ích thương mại.
“Bởi vì nếu mà thương mại điện tử không hơn hẳn thương mại truyền thống về doanh thu, về lợi nhuận thì họ sẽ không chuyển mình “lên sàn”. Vì vậy, chúng ta phải hiểu doanh nghiệp đặt lên hàng đầu là lợi ích thương mại. Khi đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tìm mọi cách để tối giản cắt giảm các chi phí liên quan. Tức là sẽ phải dùng vật liệu đóng gói, chèn lót ở trong đơn hàng ở mức chi phí rẻ nhất” - ông Trọng chỉ ra thách thức khi chuyển đổi của doanh nghiệp.
Chi phí sử dụng các vật liệu nhựa rẻ hơn rất nhiều so với vật liệu thân thiện môi trường khiến nhiều thương nhân và khách hàng khó thay đổi thói quen.
“Nhiều người còn không biết đặt đồ ăn trên Grab có mục Thân thiện với môi trường. Bạn có thể clik vào ô không dụng cụ ăn uống nhựa” - anh Nguyễn Văn Vinh, chủ quán đồ ăn ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.

Thông tin từ khảo sát cũng cho biết, nhiều thương nhân đặt câu hỏi nếu không dùng bao bì nhựa thì họ sẽ phải dùng loại gì thay thế.
“Tôi nhấn mạnh để giảm bao bì nhựa thì đây là câu chuyện của cả xã hội chứ không phải câu chuyện của doanh nghiệp. Đó là nguồn vật liệu thay thế, chi phí, quy cách đóng gói..” - ông Trần Văn Trọng (VECOM) nêu quan điểm.
Phía cơ quan Nhà nước, bà Nguyễn Thúy Anh - Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) - cho biết, để giảm nhựa cần xây dựng và khuyến khích áp dụng bộ tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa cho thương mại điện tử theo hướng ưu tiên sử dụng các vật liệu có thể tái chế hoặc các sản phẩm đóng gói có thể phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải.
WWF tiếp tục kiến nghị, bên cạnh nâng cao “quyền lực” của người mua trong lượng chọn thương hiệu Xanh thì rất cần phổ biến tuyên truyền chính sách, pháp luật về môi trường tới các thương nhân kinh doanh trực tuyến.
“Tới nay hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam đã khá hoàn chỉnh nhưng đa số doanh nghiệp thương mại điện tử chưa quan tâm tới các quy định pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của mình.
Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp và thương nhân sử dụng nhiều vật liệu nhựa tới nay chưa biết tới quy định từ ngày 01/01/2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 cm, sau ngày 31/12/2030 dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa” - trích báo cáo “Chất thải bao bì nhựa từ thương mại điện tử năm 2023”.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thuong-nhan-chung-tay-xay-dung-thuong-mai-dien-tu-xanh-ar920457.html