Nói không với rác thải nhựa

Để giải quyết thách thức về rác thải nhựa và hướng tới tương lai xanh, TP HCM cần có những giải pháp đồng bộ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Mỗi ngày, TP HCM đối mặt với lượng rác thải khổng lồ, nhất là rác thải nhựa khó phân hủy, từ hoạt động sinh hoạt, mua sắm. Các chất độc hại và vi nhựa từ rác thải nhựa không chỉ đe dọa môi trường sống mà còn tiềm ẩn nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng.

Tràn lan từ chợ đến mạng

Túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần hiện diện phổ biến trong hầu hết hoạt động của đời sống. Túi ni-lông, vì tiện lợi, được sử dụng rộng rãi từ chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ đến siêu thị, trung tâm thương mại, quán xá. Ống hút nhựa, thường chỉ dùng một lần, cũng xuất hiện khắp nơi.

Việc mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao đồ ăn ngày càng phổ biến, dù tiện lợi nhưng lại làm gia tăng đáng kể rác thải nhựa qua bao bì, hộp đựng, túi ni-lông. Quá trình xử lý lượng rác thải này sau đó cũng đầy thách thức, cho thấy cái giá phải trả cho sự tiện lợi trước mắt là không nhỏ đối với môi trường.

Thời gian qua, một số cửa hàng đã có chính sách khuyến khích khách hàng không dùng túi ni-lông bằng cách giảm giá, như trải nghiệm tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhiều quán cà phê chuyển sang dùng ống hút tre, trúc, cỏ.

Hình ảnh người dân mang bình, hộp, giỏ cá nhân khi mua sắm ngày càng nhiều, thể hiện ý thức sử dụng vật dụng dễ phân hủy, không độc hại. Tuy nhiên, những hành động ý nghĩa này vẫn chưa phổ biến rộng rãi, cần được nhân rộng hơn nữa.

Túi ni-lông, rác thải nhựa tràn ngập tại một số ao hồ ở quận 7, TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH

Túi ni-lông, rác thải nhựa tràn ngập tại một số ao hồ ở quận 7, TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH

Đòn bẩy chính sách và khuyến khích cộng đồng

Để thúc đẩy giảm rác thải nhựa, cần có chính sách ưu đãi thuế cho các điểm bán hàng. Việc này tạo điều kiện cho họ thực hiện chiết khấu, giảm giá cho khách hàng mang theo đồ đựng cá nhân; khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn giải pháp vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường. Chính sách ưu đãi cũng nên dành cho các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ sử dụng ống hút thân thiện môi trường.

Việc khuyến khích dùng đồ có thể tái sử dụng cũng rất quan trọng. Khách hàng mang theo túi, hộp, thùng đựng riêng khi mua sắm nên được hưởng ưu đãi.

Với mua sắm trực tuyến, cần khuyến khích đơn vị vận chuyển dùng bao bì giấy, vật liệu thân thiện môi trường; người mua nên được ưu đãi khi gom nhiều đơn hàng và yêu cầu "đóng gói xanh". TP HCM cần quy định các tòa nhà văn phòng, nơi có lượng lớn đơn hàng ăn uống trực tuyến, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn để nâng cao hiệu quả xử lý và ý thức cộng đồng.

Việc tận dụng mạng lưới thu gom phế liệu (ve chai) thông qua các hình thức hỗ trợ giá cũng là biện pháp hiệu quả để khuyến khích người dân thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần nêu gương, đi đầu trong việc không sử dụng đồ nhựa trong các cuộc họp, hội nghị.

Những giải pháp tác động đến chi phí của nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ tạo lợi thế cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi giá cả không quá chênh lệch và người tiêu dùng được hưởng lợi, thói quen "tiêu dùng xanh" sẽ dần thay đổi tích cực.

Vai trò của chính quyền thành phố là then chốt trong việc định hình chiến lược tái tạo xanh, thiết lập chính sách hiệu quả, ban hành quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng và xây dựng hành lang pháp lý thích hợp. Điều này sẽ tạo cơ sở cho sự phối hợp giữa các bên, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường bền vững tại TP HCM.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

TRẦN VĂN TRÃI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-khong-voi-rac-thai-nhua-196250403222528784.htm