Thương nhau 'chín bỏ làm mười'
'Chín bỏ làm mười', biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ – đó là những lời khuyên chưa bao giờ sai để hóa giải mâu thuẫn giữa các mối quan hệ vợ chồng, dẫu về lý thuyết chuyện đó chẳng dễ thực hiện. Nhưng hơn thua, găm gút liệu có thoải mái hay lại càng khiến tâm hồn mình trở nên héo úa, nhỏ nhen.
“Em muốn bỏ ông ấy cho xong, nhưng nhìn con thiếu cha hay vắng mẹ, em lại không nỡ. Mà với tính gia trưởng, bảo thủ ấy, em bực bội lắm… ”, giọng em cáu gắt và có phần mất kiểm soát trong suốt cuộc trò chuyện về những bất hòa trong gia đình, khiến chúng tôi không dám cắt lời. Cứ muốn để em được thỏa lòng trải dài những giận hờn, vướng víu cảm xúc.
Thật ra đó cũng là chuyện chung của tất cả những cặp gia đình trẻ hiện nay, khi ai cũng bảo vệ ý kiến của mình, muốn hơn, không chịu thua từ chuyện mua gì sắm gì, đi sớm về muộn, chăm sóc con nhỏ, quà cáp ngày lễ, làm việc nhà... Câu chuyện đẩy lên đỉnh điểm khi mới đây, nơi em làm tổ chức cho nhân viên đi dã ngoại vào 2 ngày cuối tuần, nhưng anh lại muốn em rút danh sách để cả gia đình cùng về quê. Thế là bao nhiêu dồn nén, ấm ức từ lâu trong em cứ tuôn ra như giọt nước tràn ly khiến ngôi nhà trở nên ngột ngạt, chẳng ai nói với ai lời nào từ mấy ngày nay.
Trong câu chuyện của em, chúng tôi chợt nhận ra, mỗi người sinh ra trong một môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau, có những trải nghiệm quá khứ và góc nhìn khác nhau. Vì thế nếu không đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận mọi vấn đề khách quan nhất, rồi cùng giải quyết thì bất hòa xảy ra không thể tránh khỏi. Cuộc sống vốn là tương tác hai chiều. Sau tình yêu còn là bổn phận, trách nhiệm không chỉ đối với nhau mà còn đối với con cái, cha mẹ. Thế nên, khi tranh cãi, mỗi người nên nói ngắn, nói đúng vấn đề để tránh những “sát thương”, xung đột.
Các cụ ta cũng từng dạy “vợ chồng chín bỏ làm mười”. Đã xác định làm bạn đời của nhau thì nếu có giận nhau cũng đừng cố chấp. Trong mối quan hệ vợ chồng, chuyện ai đúng, ai sai chẳng hề quan trọng. Mỗi người hãy nghĩ đến những điều chưa được của mình và những điều được của bạn đời mà vun vén cho nhau.
Thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 do Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cũng quy định rõ tiêu chí ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau. Đó là vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình. Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
Hạnh phúc chỉ có thể đạt được khi cả hai người luôn có ý thức điều chỉnh hành vi, tính cách của mình để ranh giới sự khác biệt không dần trở thành hố sâu ngăn cách. Cần có sự nhìn nhận nghiêm túc từ mỗi người để mỗi gia đình thực sự là một tế bào của xã hội.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuong-nhau-chin-bo-lam-muoi-128978.html