Thượng tá Lê Sỹ Hà và những chuyến xuất quân đáng nhớ của Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh

2 tháng nay, Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Trưởng đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh (K02 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) 'cắm chốt' tại đơn vị vì liên tục phải thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Chỉ riêng năm 2024, anh và đồng đội đã có 15 lần xuất quân, từ Nam ra Bắc.

Năm nay, đơn vị cũng có 2 lần xuất quân, trong đó, chuyến đi lần này rất đặc biệt, vào TP Hồ Chí Minh tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Lần nào, với thượng tá Lê Sỹ Hà, cũng hồi hộp, lo lắng...

1. Ngay từ sáng sớm, Thượng tá Lê Sỹ Hà đã có mặt ở thao trường chỉ huy đội CSCĐ kỵ binh diễn tập chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt, diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (Nhiệm vụ A50)... Chuyến đi này sẽ dài và vất vả, nhưng với tinh thần thực chiến của những chiến sĩ CSCĐ thì không khó khăn nào không thể vượt qua.

Hơn 5 năm thành lập nhưng Thượng tá Lê Sỹ Hà cùng đồng đội đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, tham gia diễu binh, diễu hành trong những sự kiện lớn của đất nước. Đằng sau những hình ảnh đẹp lan tỏa sức mạnh của đội CSCĐ kỵ binh nói riêng và hình ảnh chiến sĩ CAND nói chung là những giọt mồ hôi, là những hành trình vất vả, nhọc nhằn, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ CSCĐ.

Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Trưởng đoàn CSCĐ Kỵ binh đôn đốc cán bộ, chiến sĩ tập luyện.

Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Trưởng đoàn CSCĐ Kỵ binh đôn đốc cán bộ, chiến sĩ tập luyện.

Thượng tá Lê Sỹ Hà kể cho tôi nghe về những chuyến hành quân đáng nhớ của đội kỵ binh. Chỉ riêng trong năm 2024, đội CSCĐ kỵ binh đã có 15 nhiệm vụ. “Mỗi lần nhận nhiệm vụ ra quân, lãnh đạo chỉ huy rất lo lắng, phải họp và tổ chức thực hiện, phân chia từng bộ phận ai làm gì.

Những khâu phải quan tâm nhất, lo lắng nhất là vấn đề an toàn cho người và ngựa trong quá trình tham gia giao thông. Chúng tôi phân công từng người, từ công tác hậu cần, đảm bảo cho người, ngựa, vệ sinh an toàn, dịch bệnh, ốm đau. Khi mất an toàn xử lý thế nào. Những chú ngựa của chúng ta không phải là giống bản địa, khi di chuyển đến những vùng đất mới, thời tiết, khí hậu khác nhau, cơ thể sinh học khó thích nghi, phải làm thế nào để đảm bảo sức khỏe cho ngựa là vấn đề cốt yếu. Vì thế, đợt hành quân nào chúng tôi cũng phải chuẩn bị bài bản”, Thượng tá Lê Sỹ Hà chia sẻ.

Bởi những chuyến hành quân của đội kỵ binh rất đặc biệt. Nếu chỉ có người thì phát lệnh 30 phút là có thể lên đường. Nhưng, với ngựa phải chuẩn bị từ hôm trước, thức ăn, nước uống, di chuyển ngựa lên xe. Thượng tá Lê Sỹ Hà nhớ lại những ngày đầu khi đội kỵ binh mới thành lập, đơn vị chưa có xe chuyên dụng, phải dùng xe chở quân cải hoán thành xe chở ngựa.

“Chuyến xuất quân huy động số lượng người và ngựa nhiều nhất là ngày 8/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, đoàn CSCĐ kỵ binh ra mắt ở quảng trường Ba Đình. Lúc đó chúng tôi phải dùng xe quân dụng di chuyển ngựa từ 2h sáng. Phải chằng buộc mỗi con một ô riêng, chiếc cầu cho ngựa lên xe phải 20 người khiêng. Có khi trục trặc mất cả tiếng mới chuyển được xe. Hồi đó ngựa mới chưa được huấn luyện tốt nên mỗi lần chuyển ngựa lên xe phải mất 3-4 tiếng”.

Rồi, chuyến đi vào Huế năm 2021, di chuyển qua các vùng khí hậu khắc nghiệt. Ngày đó cũng chưa có xe chuyên dụng, nên ngựa dễ bị ngã. Không may, xe chở ngựa gặp trục trặc ở Quảng Trị, trời dông bão, mưa rất to, cả đơn vị phải sang ngựa. Lúc đó khoảng 12h đêm, sang ngựa rất mất an toàn. Nhưng, với sự quyết tâm của các chiến sĩ, 2h sáng đoàn đã về đến Huế và ăn... cơm tối.

Các chiến sĩ CSCĐ tập luyện trên lưng ngựa.

Các chiến sĩ CSCĐ tập luyện trên lưng ngựa.

2. Những chuyến đi vất vả và nhiều lo lắng, nhưng đọng lại trong ký ức Thượng tá Lê Sỹ Hà là những kỷ niệm đẹp về tình quân dân. Anh chia sẻ: “Có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi, nhưng kỷ niệm khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc đó là dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên, đến với đồng bào dân tộc Tây Bắc. Tôi nhớ đến bài thơ “Bộ đội về làng” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. “Các anh về/ Mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười/ Rộn ràng xóm nhỏ...”. Chúng tôi ở Thủ đô lên, cảm thấy tình cảm của đồng bào dân tộc rất ấm áp. Chúng tôi như những đứa con ở xa mới về, quân với dân như một. Lúc đó, tôi hiểu vì sao chúng ta chiến thắng được các đế quốc lớn, vì sức mạnh dân tộc của chúng ta quá lớn”.

Đồng bào, người quả cam, người bình nước, rau củ mang đến tận nơi tặng các chú công an “ăn cho có sức khỏe”. Còn nhớ một hình ảnh đẹp lan tỏa trên mạng xã hội lúc đó là cái đập tay của một chiến sĩ CSCĐ và một cháu bé. Người chiến sĩ CSCĐ đó chính là Thượng tá Lê Sỹ Hà. Clip sau khi một người dân đưa lên TikTok đã cán mốc 5 triệu view. Nhớ lại câu chuyện xúc động đó,

Thượng tá Lê Sỹ Hà kể: “Lúc đó, tôi đưa quân đi khối, thấy bà con đứng hai bên đường chào, rất nô nức. Tôi cảm động và giơ tay chào lại bà con. Tôi nhìn thấy một cậu bé đứng bên đường giơ tay lên và tôi cũng giơ tay đập vào bàn tay bé nhỏ ấy để chào cậu, không ngờ có người quay lại giây phút đó. Và, càng không ngờ khi nó nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội về sự ấm áp của tình quân dân”. Trong ký ức của Thượng tá Lê Sỹ Hà, hình ảnh những đoàn người đứng dài hai bên đường vẫy chào đoàn công tác từ Điện Biên kéo dài đến Sơn La, Mộc Châu khiến anh rưng rưng xúc động...

Rồi, chuyến tham gia diễu binh diễu hành ở Lâm Đồng - Đà Lạt. Bà con đứng chật kín đường không di chuyển được, trên tay họ cầm hoa quả, bánh kẹo để gửi cho các chú công an. Anh phải dùng loa: “Chúng tôi rất trân quý tình cảm của bà con, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, tôi xin đề nghị bà con dành đường cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ”, thế họ mới dãn ra... Đó là những tình cảm thật, ấm áp, chân thành của người dân khắp mọi miền tổ quốc.

3. Ngay từ khi đội CSCĐ kỵ binh thành lập (năm 2020), Thượng tá Lê Sỹ Hà nhận lệnh về làm Phó Trưởng đoàn CSCĐ kỵ binh, Trước đó, anh công tác tại Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ - đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ. Vì thế, có thể nói, anh có “thâm niên” làm nghề, với phương châm, dùng tình cảm, sự thân hòa để cảm hóa động vật bởi nó cũng có tình cảm, cảm xúc như con người...

Đoàn CSCĐ Kỵ binh diễu hành trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Đoàn CSCĐ Kỵ binh diễu hành trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Từ nhỏ, Thượng tá Lê Sỹ Hà rất thích đọc những câu chuyện trinh thám, điều tra, vì thế, khi chọn ngành, anh chọn Khoa Điều tra hình sự. Tốt nghiệp, anh về công tác ở cục Cảnh sát bảo vệ nay là Bộ Tư lệnh CSCĐ, sau đó chuyển về Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Ngót nghét hơn 20 năm. Sau khi thành lập đội kỵ binh, anh lại được cử lên cùng các anh em xây dựng đội. “Đến giờ phút này, tôi nghĩ nghề chọn người. Thế hệ cha ông đã nói một câu rất thấm thía, mình cứ yêu nghề, nghề không phụ. Vì thế, tôi vẫn nói với cán bộ của tôi, những bạn vẫn còn rất trẻ rằng, cứ đam mê, lao động hăng say, tình yêu sẽ nảy nở”.

Con trai Thượng tá Lê Sỹ Hà, Thiếu úy Lê Nguyễn Thành Long, nối nghiệp bố, tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của những chú ngựa ở đội CSCĐ kỵ binh. Anh quan niệm: “Tôi muốn con theo nghiệp vì truyền thống gia đình. Tôi vẫn nhớ đến câu nói của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, môi trường tốt nhất để rèn luyện là môi trường quân đội và công an. Con đường tiến thân tốt nhất là con đường học tập”.

Những ngày này, sau một chặng hành quân vất vả, đội CSCĐ kỵ binh đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục luyện tập, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Chuyến hành quân này rất nhiều xúc cảm và chắc hẳn, Thượng tá Lê Sỹ Hà sẽ có nhiều câu chuyện để kể...

V.Hà - Đ.Hiền

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/thuong-ta-le-sy-ha-va-nhung-chuyen-xuat-quan-dang-nho-cua-doan-canh-sat-co-dong-ky-binh-i763825/