Sức sống mới tại miền đất Long Phước một thời khói lửa
Xã Long Phước, thành phố Bà Rịa là 'cái nôi' cách mạng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là nơi đã chịu sự đánh phá ác liệt của địch nhưng nhân dân Long Phước anh hùng dựa vào hệ thống địa đạo độc đáo đã bẻ gãy nhiều trận càn của địch, tạo nên những chiến thắng vang dội. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Phước khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Long Phước thành xã nông thôn mới kiểu mẫu khang trang, hiện đại.

Xã Long Phước, thành phố Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nơi ghi dấu khốc liệt của chiến tranh
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Long Phước luôn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng với kẻ thù, đây là "cái nôi" của cách mạng, là địa bàn đứng chân của các lực lượng vũ trang tỉnh và huyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Long Phước luôn phát huy truyền thống yêu nước, bám đất, giữ làng, không ngại hy sinh, gian khổ.
Do có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là đầu mối căn cứ địa cách mạng của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, nằm trên trục lộ giao thông (lộ 52 và 23), trục nối đường liên tỉnh Bà Rịa – Long Khánh nên Long Phước luôn là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta với địch trong suốt hai cuộc kháng chiến. Năm 1948 nhằm bảo toàn lực lượng và củng cố phong trào cách mạng và cũng để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân khi địch càn quét, Đảng bộ Long Phước đã phát động phong trào đào hầm bí mật trong toàn xã. Đến năm 1949, Chi bộ xã đã có Nghị quyết xây dựng địa đạo để vừa bảo toàn lực lượng, vừa có thể đánh trả địch. Thực hiện Nghị quyết của Chi bộ, quân và dân Long Phước đã phát triển hệ thống địa đạo ở 5 ấp: Đông, Tây, Nam, Bắc và Phước Hữu. Các cụm địa đạo được nối với nhau bởi đường xương sống, có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ với các công sự chiến đấu. Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao 1,5-1,6m, rộng 0,6-0,7m, đảm bảo đi lại, vận chuyển dễ dàng.

Khách tham quan Địa đạo Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ban đầu, địa đạo là căn hầm dài 300m trong vườn nhà ông Năm Hồi. Đây là nơi lực lượng vũ trang cách mạng địa phương trú đóng, chiến đấu và chiến thắng cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp vào tháng 10/1949. Đến năm 1963, hệ thống địa đạo Long Phước được khôi phục và phát triển thêm 200m chiều dài ở ấp Tây Nam, có cấu trúc thêm giao thông hào, ụ chiến đấu, kho lương thực, hầm cứu thương. Địa đạo đã trở thành thế trận vững chắc để lực lượng cách mạng bám trụ, kiên cường đánh bại nhiều cuộc tấn công, lấn chiếm của địch.
Điển hình là trận chiến 44 ngày đêm từ 5/3-1/4/1963. Ngày 5/3/1963, Tiểu đoàn 61 do Quận trưởng Long Lễ trực tiếp chỉ huy cùng với lực lượng dân vệ có xe M113 yểm trợ đánh phá ấp Bắc, xã Long Phước. Phía ta giữ vững trận địa 3 ngày liền, chống trả sự tấn công của địch. Hai trung đội 445, C20 bộ đội huyện và du kích xã dựa vào hào giao thông, ụ chiến đấu để tiêu hao sinh lực địch.
Ngày 8/3/1963, địch tăng cường thêm Tiểu đoàn biệt động quân 38, pháo binh và xe M113 càn quét ác liệt tại Long Phước. Đến ngày 1/4, toàn bộ hào giao thông rơi vào tay giặc, các lỗ châu mai bị bịt kín. Cửa chính của địa đạo bị hai xe M113 đè lên. 250 chiến sĩ và nhân dân của ta rút hết xuống địa đạo, với sự chỉ huy của chính trị viên Nguyễn Minh Ninh, các chiến sỹ của ta sử dụng quả mìn câm chế lại giao cho đồng chí Mười Dẫm và Sáu Bảo đột phá và đặt vào xích xe M113 rồi điểm hỏa. Khi mìn nổ chiếc xe bị hất tung, quân ta nhanh chóng trườn lên, sử dụng các loại vũ khí ồ ạt tấn công. Trước đòn bất ngờ, mau lẹ, địch không kịp trở tay và phải tháo chạy. Đây là trận chiến đấu lớn thu được nhiều thắng lợi: Tiêu diệt và làm bị thương 143 tên địch, phá hủy 12 xe M113, đánh bại trận càn quét của địch với lực lượng đông gấp bội có thiết giáp, không quân và pháo binh yểm trợ.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Long Phước đã đào được tổng số 3.600 mét địa đạo, trong đó ấp Đông 650 mét, ấp Bắc 2.700 mét, ấp Nam 250 mét.
Ông Nguyễn Văn Minh (ông Bảy Minh, 75 tuổi) nguyên là Chủ tịch UBND xã Long Phước bồi hồi nhớ lại: "Nhà tôi sát bên địa đạo Long Phước ở ấp Tây; ngày ấy còn nhỏ đêm đêm tôi lẻn sang xem các anh, các chú trong xã đào địa đạo. Những ngày tháng chiến tranh, xã Long Phước bị đế quốc Mỹ chiếm đóng. Chúng đuổi hết bà con ra khỏi xã, đốt hết nhà cửa; khiến xã Long Phước rơi trong cảnh hoang tàn, tiêu điều và khốc liệt vô cùng".
Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, ngoài ngụy quân, tại Long Phước còn có một Trung đoàn pháo binh Úc đóng tại núi Đất (cách địa đạo Long Phước 2km) quản lý khu vực Bà Rịa. Địch nhiều lần mở cuộc tiến công vào địa đạo Long Phước; quân và dân Long Phước đã anh dũng chống trả, tạo nên nhiều trận đánh vang dội. Một trong những trận đánh lớn khác diễn ra vào ngày 19/5/1966. Quân địch gồm 1 lữ dù 173 Mỹ, 1 tiểu đoàn quân Hoàng gia Úc, 1 đại đội bảo an tiến đánh địa đạo Long Phước. Quân và dân Long Phước ẩn sâu trong lòng địa đạo, từng bước bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Sau 3 ngày quần thảo không thể đánh sập địa đạo Long Phước, quân địch bị tiêu diệt trên 800 tên, phải rút lui về căn cứ của chúng tại núi Đất.
Ngày 27/4/1975, xã Long Phước hoàn toàn giải phóng. Qua 2 cuộc chiến tranh, nhân dân xã Long Phước luôn một lòng kiên trung với cách mạng. Trải qua bao mưa bom, bão đạn, địa đạo và quân dân Long Phước vẫn đứng vững kiên cường, xứng danh vùng đất một thời đạn bom vẫn được xem như “núm sữa” quan trọng nuôi dưỡng phong trào cách mạng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ghi nhận những đóng góp và hy sinh to lớn của Đảng bộ, quân và dân xã Long Phước, năm 1994, xã Long Phước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trên địa bàn xã có 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, 3 người là liệt sĩ và 1 người còn sống là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu; 102 mẹ được công nhận danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn xã có 517 liệt sĩ, 130 thương, bệnh binh; 450 người hoạt động kháng chiến và người có công cách mạng.
Trở thành vùng quê đáng sống

Tuyến đường giao thông tại xã Long Phước, thành phố Bà Rịa.
Ông Nguyễn Văn Minh, nguyên là Chủ tịch UBND xã Long Phước chia sẻ, những ngày sau giải phóng, nhân dân xã Long Phước bắt đầu quay trở về dựng lại nhà cửa, làm lại ruộng vườn sau bao năm bị bỏ hoang. Lúc đó, Long Phước khung cảnh tiêu điều, nhân dân gian khổ và nghèo đói vô cùng. Địa phương đã tích cực vận động nhân dân cùng chính quyền chung tay xây dựng lại quê hương. Từ một xã thuần nông đường sá lầy lội, không điện, đường, trường, trạm, với sự chung tay, chung sức của nhân dân và chính quyền địa phương, Long Phước đã dần đổi thay và ngày càng trở thành vùng quê đáng sống.
Về Long Phước hôm nay có thể thấy, quê hương anh hùng, kiên trung và bất khuất đã chuyển mình mạnh mẽ. Những con đường trải nhựa, bê tông khang trang dẫn vào từng ấp, từng ngõ hẻm. Những ngôi nhà kiểu dáng hiện đại mọc lên ngày một nhiều, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Sự thay đổi tích cực này là “trái ngọt” từ khi xã tiến hành chương trình xây dựng nông thôn mới; qua đó, hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, Long Phước đã được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã là hơn 92,4 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo. “Sau khi được công nhận là xã nông thôn mới, xã Long Phước tiếp tục tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Tháng 3/2025, xã tiếp tục được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Tấn thông tin thêm.
Bí thư Đoàn xã Long Phước Đặng Hoàng Minh Tâm phấn khởi nói: “Bà con nhân dân rất vui mừng khi quê hương ngày càng thay đổi. Diện mạo, cảnh quan của địa phương khởi sắc, đem đến sức sống mới tại miền đất Long Phước một thời khói lửa này”.
Thời gian qua, công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn xã luôn được chú trọng. Hiện xã có 36 hồ sơ tù kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng, 360 hồ sơ được hưởng chế độ thờ cúng cho thân nhân liệt sĩ, 245 hồ sơ con liệt sĩ được hưởng chế độ cấp thẻ bảo hiểm y tế… Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được 84 căn nhà cho cha, mẹ, vợ, con liệt sĩ; giải quyết sửa chữa được 331 căn nhà cho các gia đình chính sách; 578 người có công được hưởng chế độ. Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã hội trong tỉnh, thành phố và xã cũng thường xuyên đến thăm hỏi, chăm lo, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình chính sách neo đơn, khó khăn trong các dịp lễ, Tết.
“Có được những kết quả khả quan này là nhờ sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố Bà Rịa và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ.