Thưởng Tết bằng hiện vật không có nghĩa là người lao động phải nhận... gạch, dép

Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Việc quy định thưởng Tết bằng hiện vật nhằm đa dạng hóa hình thức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Việc quy định thưởng Tết bằng hiện vật nhằm đa dạng hóa hình thức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hàng loạt quy định mới, quan trọng với người lao động. Những quy định này về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Chế định về hợp đồng lao động, tiền lương, thưởng là một trong những nội dung mà người lao động rất quan tâm. Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định về hình thức thưởng cho người lao động.

Cụ thể, Điều 104, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, theo quy định này thì từ năm 2021, doanh nghiệp có thể thưởng (bao gồm cả thưởng Tết) cho người lao động bằng hiện vật chứ không chỉ là tiền thưởng như quy định hiện nay.

Một bộ phận không nhỏ dư luận xã hội tỏ ra khá hoang mang với quy định mới này. Nhiều người lao động đặt câu hỏi: "Tôi làm trong doanh nghiệp may, chồng tôi làm xây dựng vì quy định này, vào dịp Tết những năm sau, có thể tôi phải nhận quần áo, chồng tôi phải nhận gạch hay sao? Có người khác lại lo lắng rằng, với những ngành nghề như sản xuất khai thác than đá, dầu mỏ, công nhân vệ sinh môi trường... thì sẽ thưởng bằng sản phẩm gì?".

Nêu quan điểm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Phó trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Lao động 2012 sửa đổi (nay là Bộ luật Lao động sửa đổi cho hay), việc quy định nhiều hình thức thưởng thay vì chỉ thưởng bằng tiền nhằm mở rộng phạm vi, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Ngoài tiền mặt, doanh nghiệp trong nước đã và đang có nhiều hình thức khuyến khích người lao động, gồm: thưởng cổ phiếu, các chuyến tham quan du lịch, các dịch vụ khác, thậm chí có doanh nghiệp đã thưởng bằng hiện vật có giá trị như: tủ lạnh, tivi, ô tô hay xe máy…

Theo ông Doãn Mậu Diệp, người lao động không cần phải quá lo lắng, bởi bên cạnh quy định đa dạng hình thức thưởng, Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, khi chủ sử dụng lao động xây dựng và ban hành quy chế thưởng của người sử dụng lao động, tập thể người lao động có thể kiến nghị khi cho rằng không hợp lý.

Theo các chuyên gia lao động, để đảm bảo quyền lợi, người lao động nên xem kỹ những điều khoản, tiền thưởng và phúc lợi ngay khi ký hợp đồng chính thức. Trong khi đó, quy định mới cũng nên cụ thể hơn, trường hợp nào là thưởng bằng hiện vật, trường hợp nào là bằng tiền để đảm bảo tính hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thuong-tet-bang-hien-vat-khong-co-nghia-la-nguoi-lao-dong-phai-nhan-gach-dep/836555.antd