Thưởng Tết là khoản tiền hết sức quan trọng với người lao động

Khó khăn kéo dài do vậy, các chủ doanh nghiệp hãy sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít hoặc thậm chí không có lợi nhuận để chúng ta cùng chia sẻ, giúp đỡ cho người lao động được vui Tết.

Hiện nay, tại một số tỉnh thành phía Nam, do doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết thấp hơn năm 2021 nên người lao động đã ngừng việc để yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại mức thưởng bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Bởi năm 2021, người lao động đã gặp nhiều khăn do dịch bệnh Covid-19.

Một vụ ngừng việc tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến tiền thưởng Tết. Ảnh: Nam Dương

Một vụ ngừng việc tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến tiền thưởng Tết. Ảnh: Nam Dương

Bên lề Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) khai mạc sáng 11-1, trao đổi với phóng viên, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, qua tổng hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì năm nay hầu hết doanh nghiệp vẫn phối hợp với Công đoàn để có được mức lương, thưởng cơ bản đảm bảo cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp năm nay vì khó khăn mà lương thưởng không đáp ứng được mong muốn của người lao động. Đó là lý do mà nhiều nơi, người lao động đã ngừng việc.

"Trong bối cảnh đó chúng tôi thấy rằng, trước hết mong tất cả người lao động cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp phải coi khoản lương thưởng tết là khoản hết sức quan trọng với người lao động. Khó khăn kéo dài do vậy, các chủ doanh nghiệp hãy sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít hoặc thậm chí không có lợi nhuận để chúng ta cùng chia sẻ, giúp đỡ cho người lao động được vui Tết. Đây sẽ là động lực để người lao động sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh thiếu lao động như trong hiện nay" - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu có ý kiến.

Liên quan đến việc có địa phương khuyến cáo người dân, người lao động đi làm xa hạn chế về quê đón Tết, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay: "Qua theo dõi, chúng tôi cũng biết được ở một số địa phương đang có những cách tiếp cận rất khác nhau liên quan đến việc người lao động về quê ăn tết - đây là quyền của họ. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng nên tính đến việc, người lao động trong một khoảng thời gian dài đã phải thực hiện giãn cách xã hội rất khó khăn mà chưa được về thăm người thân, không được chia sẻ những khó khăn với người thân của họ.

Tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp cận theo cách là động viên, khuyến khích người dân hạn chế di chuyển trong dịp Tết. Và nếu có di chuyển thì phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bởi, an toàn của người lao động không chỉ cho bản thân họ mà còn cho người thân của họ, cho cộng đồng".

Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cung cấp thêm thông tin, hiện nay ở nhiều địa phương, Công đoàn đã tiếp tục tổ chức các chuyến xe nghĩa tình để đưa người lao động về quê ăn Tết. "Khi tổ chức các chuyến xe nghĩa tình, các cấp công đoàn cũng sẽ tổ chức những buổi test Covid -19 cho người lao động trước khi lên xe, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn bộ chuyến đi của NLĐ; hướng dẫn, tuyên truyền người lao động về với gia đình hạn chế việc di chuyển, thăm nom.

Người lao động cũng phải chấp nhận trong bối cảnh dịch bệnh không thể có cái Tết trọn vẹn như những năm trước vì mục tiêu chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Còn đối với người lao động ở lại địa phương làm việc để đón Tết, Công đoàn cũng sẽ tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động, để họ vừa được ăn Tết vui khỏe, trong điều kiện an toàn" - Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cho hay.

HÀ ANH - BẢO HÂN (Báo Lao Động)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/thuong-tet-la-khoan-tien-het-suc-quan-trong-voi-nguoi-lao-dong-2022011208270621.htm