Thưởng thức điện ảnh kiểu mới

Trước giờ công chiếu bộ phim tài liệu sáng tạo Dust & Metal (Cát bụi và kim loại, thực hiện bởi đạo diễn người Anh Esther Johnson), ban tổ chức liên tục thông báo, khách tham dự có thể thoải mái ngồi, đứng, đi lại trong khuôn viên chiếu phim. Đây có lẽ là một trong những trải nghiệm điện ảnh mới lạ với khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Độc đáo và gần gũi

Tại một buổi chiếu phim truyền thống, khách mời tham dự sẽ có khán phòng, ghế ngồi, máy lạnh với hệ thống âm thanh, hình ảnh đạt chuẩn. Thế nhưng, tất cả những khuôn khổ ấy đã bị phá vỡ tại buổi chiếu Dust & Metal tại Nam Thi House.

Mai Phương (ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ, ngay từ lúc check-in (kiểm tra đăng ký) thấy không phát vé như thường lệ, cô hỏi và được trả lời, khách tham dự có thể di chuyển tự do. Bước vào bên trong, cô thấy rất nhiều người hoặc ngồi dưới đất, hoặc ngồi ở bệ các bồn cây, còn có người đứng, người đi lại khiến cô đầy bất ngờ. Không gian chiếu phim cũng khá đơn giản với một màn chiếu được dựng theo kiểu “dã chiến” ngay khu vực sân khấu ngoài trời, bình thường đây là khoảng sân vườn chung.

“Một trải nghiệm thú vị khi được thưởng thức phim trong không khí ngoài trời thoải mái, tự do. Thêm vào đó, khán giả còn được giao lưu trực tiếp với đạo diễn, nhạc sĩ làm nhạc phim và có MC dẫn chuyện. Khán giả trẻ có thể bày tỏ những thắc mắc về phim và được đạo diễn giải đáp, tất cả đều trên tinh thần cởi mở, thoải mái”, Mai Phương hào hứng kể lại.

Theo cô, những buổi chiếu phim như này đặc biệt thích hợp với những khán giả trẻ, thế hệ gen Z và những khán giả nước ngoài. Được biết, ngoài trải nghiệm xem phim tự do như ở nhà, trong buổi chiếu Dust & Metal, phần nhạc phim còn được biểu diễn trực tiếp bởi nghệ sĩ Nguyễn Xinh Xô. Khán giả vừa theo dõi phim trên màn hình vừa được lắng nghe nhạc sống trực tiếp, cộng hưởng nghe - nhìn thú vị.

Buổi chiếu này cũng là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF).

Theo ông Phạm Minh Toàn, đại diện Vietfest, Giám đốc điều hành HIFF, những hoạt động như này nhằm mang đến trải nghiệm thưởng thức điện ảnh mới lạ, độc đáo. Ông Toàn cũng hé lộ, từ nay đến ngày HIFF diễn ra vào tháng 4-2024 sẽ còn nhiều hoạt động điện ảnh tương tự như vậy được tổ chức.

Gia tăng trải nghiệm, khuyến khích đam mê

Trước đó, Vietfest cũng lần đầu tổ chức 2 buổi cine party. Buổi đầu tiên, là sự kiện tổng kết và khép lại hành trình 10 năm của chương trình Gặp gỡ mùa thu. Và sau đó, là buổi tiệc chào mừng ngay sau họp báo chính thức công bố HIFF 2024. Khác với các buổi tiệc thảm đỏ ra mắt phim, cine party là nơi các nhà làm phim, khán giả có cơ hội giao lưu, trò chuyện trong không khí cởi mở, thân tình, gần gũi, đồng thời có cơ hội thưởng thức âm nhạc trực tiếp.

Hình thức cine party không mới trên thế giới, đặc biệt gắn liền với các liên hoan phim, lễ trao giải thưởng điện ảnh. Tại Việt Nam, từng có những buổi tiệc chào mừng, cảm ơn sau các sự kiện điện ảnh nhưng cũng chưa thật sự phổ biến.

Trên thực tế, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các trải nghiệm điện ảnh của khán giả ngày càng phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Năm 2021, lần đầu tiên tại Hạ Long (Quảng Ninh) từng có dịch vụ rạp chiếu phim kiêm bãi đỗ xe ngoài trời (drive-in) với màn hình khổng lồ có kích thước 500 inch. Để đảm bảo giãn cách và an toàn, các dịch vụ xem phim trên ô tô ngoài trời, xem phim trên thuyền… cũng xuất hiện ở nhiều nước trong thời gian dịch bệnh.

Đặc biệt, các buổi xem phim trực tuyến và thảo luận nhóm diễn ra cực kỳ sôi nổi. Hậu Covid-19, các buổi xem phim tại quán cà phê, các không gian chia sẻ, trường đại học…, kết hợp với hình thức tương tác trực tiếp cùng nhà làm phim, các diễn giả cũng rất nở rộ.

Tháng 11-2022, khán giả Việt từng có cơ hội xem bộ phim tương tác Phi vụ nửa đêm, nơi họ có quyền quyết định diễn biến câu chuyện trong phim với khoảng 90 tình huống buộc người xem lựa chọn và dẫn đến 7 cái kết khác nhau, trong đó chỉ 1 cái kết có hậu.

Mỗi hình thức xem phim nói riêng, hay các hoạt động điện ảnh nói chung, nhằm mang đến những trải nghiệm mới cho khán giả. Nó có thể là hình thức truyền thống, phi truyền thống, hay có những sự kết hợp độc đáo khác nhau. Khán giả vừa gia tăng trải nghiệm, đồng thời được tiếp thêm niềm đam mê điện ảnh. Đó cũng là yêu cầu của người trẻ khi luôn muốn những điều mới lạ trong nhu cầu thụ hưởng các giá trị nghệ thuật.

Và rõ ràng, khi các công nghệ điện ảnh đã bước lên tầm cao mới, tất yếu khán giả cũng mong muốn những cảm nhận sinh động, trực quan cả về âm thanh, hình ảnh, thậm chí cả trải nghiệm khung cảnh thực trong phim.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuong-thuc-dien-anh-kieu-moi-post712113.html