Thường Tín: Tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi người lao động

Thường Tín là huyện nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, bên cạnh công tác chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần người lao động, huyện Thường Tín cũng triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn.

Huyện Thường Tín nằm ở phía Nam Thủ đô có diện tích tự nhiên 127,59 Km², dân số trên 260.000 người. Huyện gồm 28 xã và 1 thị trấn.

Huyện Thường Tín hiện có hệ thống đường giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương khác như tuyến đường bộ Quốc lộ 1A và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tỉnh lộ 427, 429, tuyến đường sắt Bắc Nam, tuyển đường thủy sông Hồng, tuyến đường đê sông Nhuệ và sông Hồng chạy qua.

Thường Tín có 81 làng có nghề, trong đó có 50 làng nghề được Thành phố công nhận, có 11 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề, với khoảng trên 16.000 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề, với số lao động khoảng trên 40.000 người.

Huyện cũng có một số nghề truyền thống tiêu biểu đã gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay như nghề thêu tay, sơn mài, mọc gỗ dân dụng, điêu khắc, mây tre đan, lược sừng, cước lưới... đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín và ông Nguyễn Duy Hiển - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín và ông Nguyễn Duy Hiển - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn.

Đáng chú ý, với số lượng công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn, công tác đảm bảo các quyền lợi liên quan cũng được huyện Thường Tín chú trọng. Cụ thể, với vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được Ủy ban nhân dân huyện và Liên đoàn Lao động huyện Thường Tín tích cực phối hợp, rà soát và tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT;

Xác định rõ việc doanh nghiệp đảm bảo các chế độ, tiền lương, tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là sự chia sẻ của doanh nghiệp đối với Nhà nước trong công tác an sinh xã hội. Trên địa bàn huyện Thường Tín hiện có hơn 1.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động với khoảng 19.541 lao động, trong đó khối doanh nghiệp có hơn 800 đơn vị tham gia đóng BHXH bắt buộc cho 15.363 lao động. Tổng số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN 5 tháng đầu năm trên địa bàn huyện là 318,3 tỷ đồng, đạt 30,2% so với kế hoạch Thành phố giao.

Huyện tích cực triển khai tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn, đến mọi tầng lớp nhân dân và người lao động trên địa bàn. Nhờ vậy, tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, huyện Thường Tín đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyên, tư vấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 15 doanh nghiệp; phối hợp giải quyết kịp thời tranh chấp lao động, trả lời đơn thư của người lao động.

Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đinh Luyện - Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuong-tin-tang-cuong-cong-tac-tuyen-truyen-bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong-172181.html