Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 10% cả về số vụ, số người chết và bị thương so cùng kỳ năm 2022. Khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các điểm tham quan, du lịch trọng điểm và không để xảy ra ùn tắc giao thông. Đây là 3 mục tiêu lớn mà An Giang quyết liệt thực hiện trong Năm An toàn giao thông (ATGT) 2023.

Kiểm tra, tuyên truyền cho người tham gia giao thông. Ảnh: KHÁNH HƯNG

Kiểm tra, tuyên truyền cho người tham gia giao thông. Ảnh: KHÁNH HƯNG

Theo Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang Trương Khiết Quang, để thực hiện tốt các mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm 2023, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT từ tỉnh đến tận xã, phường, thị trấn, các phòng, ban của cơ quan, đơn vị.

Triển khai kịp thời các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và các bộ, ngành Trung ương có liên quan trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kế hoạch 89-KH/TU của Tỉnh ủy An Giang thực hiện Kết luận 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 18-CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban ATGT tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Đặc biệt, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, vai trò của các thành viên Ban ATGT các cấp trong chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo ATGT tại địa phương, phấn đấu đạt được mục tiêu kiềm chế và kéo giảm TNGT trong năm 2023, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Phổ biến nhiệm vụ đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tuyệt đối tuân thủ pháp luật về ATGT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn, gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. trước hết, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền ATGT, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Phát động phong trào thi đua đảm bảo trật tự ATGT, thực hiện các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ.

Kiên trì, tích cực xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng thực thi pháp luật. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội và hạ tầng số. Vận động, hướng dẫn lồng ghép mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp vận tải.

Đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông, cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về ATGT.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT. Đảm bảo ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông hiện hữu; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường thủy nội địa.

Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ cấp cứu, chữa trị và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân TNGT. Đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến kỹ năng sơ cứu TNGT cho các lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện và toàn dân. Ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành công an và y tế (nạn nhân nhập viện, số liệu người chết, bị thương do TNGT)…

TNGT là hiểm họa thường trực đối với mỗi người tham gia giao thông. Vì vậy, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT nhằm làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện để góp phần giảm TNGT.

Bên cạnh quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT của Ban ATGT, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, thì việc nghiêm chỉnh, chủ động nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT của mỗi người khi tham gia giao thông chính là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thuong-ton-phap-luat-de-xay-dung-van-hoa-giao-thong-an-toan-a359828.html