Thượng tôn pháp luật góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn

Thượng tôn pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Thượng tôn Pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân.

Thượng tôn Pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang từng bước hội nhập sâu rộng, việc thấu hiểu và tuân thủ pháp luật không chỉ là yêu cầu đối với mỗi công dân mà còn thể hiện trách nhiệm chung với cộng đồng và đất nước. Ngày Pháp luật là dịp để người dân ý thức được rằng sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi mỗi cá nhân, tổ chức đều có ý thức tuân thủ và tôn trọng luật pháp.

Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền - lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Thực tế, trong đời sống xã hội hàng ngày, pháp luật được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội. Pháp luật là nền tảng của mọi hành động, việc hiểu biết, tôn trọng pháp luật giúp mọi người sống và làm việc có trách nhiệm, góp phần tạo dựng một xã hội trật tự, an toàn và công bằng.

Trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, nhân dân là chủ thể của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật thì sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Những quy định trong Hiến pháp, trong các luật và văn bản dưới luật luôn đề cao tính nhân đạo và nhân văn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước mà Nhân dân là chủ và do nhân dân làm chủ. Hệ thống pháp luật phục vụ cho việc thực thi các lợi ích cơ bản của con người, đặc biệt là lợi ích của người lao động.

Thượng tôn pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân, góp phần đảm bảo quyền lợi của mỗi người; tạo sức mạnh, động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thảo Lan

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/thuong-ton-phap-luat-gop-phan-xay-dung-cuoc-song-tot-dep-hon-458355.html