Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam
Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, năm 2022 và 2023, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế đất nước bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. “Cộng đồng doanh nghiệp trân trọng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các cấp, đặc biệt là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành đã rất quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, gỡ dần được nhiều nút thắt lớn cho doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Ông Phạm Tấn Công báo cáo nhanh Chính phủ một vài tâm tư, nguyện vọng chính của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp qua Hội nghị gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân toàn quốc năm 2023 diễn ra sáng 11/10.
Về tư tưởng, giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội.
Bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường nhưng cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch Covid-19, do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ tìm điểm đến mới.
Để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức.
Về phát triển doanh nghiệp, điều các doanh nghiệp mong muốn và đề xuất làm ngay lúc này là tạo điều kiện để họ tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi…
Trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ. Cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA; cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Về chính sách và môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động.
Các hiệp hội doanh nghiệp mong muốn được phát huy vai trò để hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp; là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Mong muốn Nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, mạnh dạn hơn trong việc giao cho các hiệp hội các nhiệm vụ, các dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.