Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình giám sát Chuyên đề "Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định”, chiều 27/8, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên quan.
Đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm từ 6,78% xuống còn 3,85%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% xuống còn 1,09%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,04% xuống còn 2,76%. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo... Chương trình đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể về việc “xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật” và “thành viên làm kinh tế giỏi” để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất trong đó có Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Đối với Tiểu dự án 1 phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Dự án 4: Chính phủ sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cấp phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo nguồn ngân sách thuộc Chương trình; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể tiêu chí để xác định người lao động có thu nhập thấp; Tăng mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng vì mức hỗ trợ theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến nay không còn phù hợp. Trên thực tế các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn như đan lát thủ công, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc cây cảnh... có nhiều lao động nữ trên 55 tuổi và nam trên 60 tuổi còn sức khỏe có nhu cầu học nghề nhưng do quá tuổi lao động theo quy định của Nhà nước nên không được tham gia học nghề. Vì vậy, Chính phủ nên bổ sung những đối tượng trên được tham gia học nghề theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg. Đối với Tiểu dự án 3 hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ cho Trung tâm dịch vụ việc làm trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại các huyện, thành phố quan tâm thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Phát biểu tại buổi giám sát, các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thanh Long đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản đôn đốc các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện và cấp xã. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm đếm, đánh giá việc thực hiện các dự án nhằm kịp thời định hướng, kết nối với các sở, ngành liên quan nâng cao hiệu quả Chương trình. Các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai các nội dung thuộc Chương trình giảm nghèo đảm bảo tiến độ và các tiêu chí mà chương trình đã đề ra; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo, người cận nghèo theo quy định.