Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Chiều 29/8, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp để nghe các cơ quan chức năng giải trình về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc tại phiên giải trình.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc tại phiên giải trình.

Các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì phiên giải trình.

Tham dự phiên giải trình có đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo HĐND, UBND các huyện, thành phố.

Các đại biểu dự phiên giải trình.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Việc tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện của các cấp, các ngành; làm rõ ưu điểm, hạn chế, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Thông qua phiên giải trình góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng là gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản và việc hình thành đô thị Cố đô - di sản gắn với đô thị thông minh của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Để phiên giải trình đạt mục đích, yêu cầu đề ra, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các câu hỏi đề nghị giải trình của đại biểu HĐND tỉnh và nội dung trả lời của đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị có liên quan cần ngắn gọn, đi vào trọng tâm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, hướng tới tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Tại phiên giải trình, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh đã phản ánh và yêu cầu lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao giải trình làm rõ về: việc thực hiện thông tin, tuyên truyền, biển chỉ dẫn quảng bá di tích gắn với giáo dục truyền thống và các giải pháp trong thời gian tới. Công tác quy hoạch, bảo tồn các các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Phạm Hồng Thái, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu câu hỏi tại phiên giải trình.

Trách nhiệm của sở và các cơ quan có liên quan trong việc để ra xảy ra tình trạng các di tích xuống cấp, trong đó có những di tích xuống cấp rất nghiêm trọng, có nguy cơ không bảo tồn được yếu tố gốc nhưng chưa được tu bổ kịp thời hoặc đã hỗ trợ tu bổ song chưa khắc phục được tình trạng xuống cấp; biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những sai phạm trong việc tu bổ các di tích. Tình trạng xâm lấn di tích đã được xếp hạng, các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Những khó khăn, vướng mắc trong hoàn thành việc cắm mốc bảo vệ di tích. Vấn đề kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Quản lý di tích. Vấn đề huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo di tích. Công tác bảo vệ cổ vật, bảo vật, đồ thờ, sắc phong tại di tích. Tiến độ triển khai một số dự án tôn tạo, phục hồi di tích…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao trả lời các câu hỏi đại biểu nêu tại phiên giải trình.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch trả lời các câu hỏi đại biểu nêu tại phiên giải trình.

Cùng tham gia giải trình với lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao, lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Du lịch; lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp đã giải trình về các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, địa phương như: các giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa gắn với phát triển du lịch; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích…

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu tại phiên giải trình.

Tại phiên giải trình, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao đổi làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Trong đó làm rõ nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các cuộc khai quật khảo cổ học đã làm gia tăng giá trị văn hóa cho các di tích lịch sử, khẳng định vị thế của vùng đất Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Trên cơ sở nhìn nhận những hạn chế đã được các đại biểu HĐND tỉnh nêu tại phiên giải trình và đánh giá những nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng khẳng định ngay sau phiên giải trình, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung khắc phục những hạn chế với tinh thần quyết tâm không để các di tích đã được xếp hạng xuống cấp, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử.

Phát biểu bế mạc phiên giải trình, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn của của lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan trong việc giải trình các nội dung liên quan. Đồng thời khẳng định việc lựa chọn vấn đề đưa ra để giải trình là đúng, rất cần thiết, cũng là mối quan tâm của cử tri, nhân dân.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất phát biểu bế mạc phiên giải trình.

Đồng chí đề nghị, ngay sau phiên giải trình, UBND tỉnh, các cấp, ngành có liên quan, các địa phương tập trung chỉ đạo để công tác quản lý, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử- văn hóa tốt hơn, thể hiện trách nhiệm đối với các di tích.

Trong đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khắc phục ngay những vấn đề còn hạn chế mà đại biểu HĐND đã nêu trong công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa. Quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách cho thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích; ưu tiên đầu tư kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ đạo rà soát, tổng hợp, cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích theo hiện trạng.

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý của Sở Văn hóa- Thể thao, đồng chí đề nghị thời gian tới, Sở chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích; rà soát, tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức quán triệt, triển khai ngay Thông tư số 04 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cho các đơn vị trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tour, tuyến du lịch gắn với hệ thống di tích hiện có, phát huy giá trị các di tích. Thực hiện chặt chẽ, đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, tôn tạo di tích trong tham gia vào hoạt động du lịch tại di tích, di sản.

Đối với Sở Giáo dục- đào tạo: Chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua việc đi thực tế, tuyên truyền về giá trị các di tích; đăng ký, chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của những di tích lịch sử cách mạng tại địa phương.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự ở các khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các di tích. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật theo quy định pháp luật.

UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa; công tác an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ tại các di tích. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý trên địa bàn. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí của địa phương, đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa để có nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó vai trò chủ đạo, nòng cốt là của ngành Văn hóa, vai trò của chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Ngay sau phiên họp này, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, cam kết tại phiên giải trình; các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết sau giải trình của các cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa sẽ góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng- an ninh và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đinh Ngọc - Đức Lam- Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuong-truc-hdnd-tinh-to-chuc-phien-giai-trinh-ve-cong-tac/d20230829172835841.htm