Thường trực Hội đồng Dân tộc họp phiên mở rộng thẩm tra tình hình thực hiện chính sách dân tộc

Chiều 17.5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đã chủ trì phiên họp Thường trực mở rộng, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025 do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trình bày và nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 31 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 5 chính sách dành riêng cho người dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài các chính sách dân tộc do Trung ương ban hành, hầu hết các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã quan tâm, ban hành chính sách đặc thù sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr thừa nhận, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc đến nay chưa được củng cố. Nghị định 05/2011/NĐ - CP của Chính phủ về công tác dân tộc vẫn là văn bản pháp lý cao nhất, đã bộc lộ nhiều hạn chế, nên Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Riêng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thứ trưởng Y Vinh Tơr cho biết, có 44/50 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025; 47/50 tỉnh, thành phố ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình. Trong 2 năm thực hiện, qua 11 đoàn kiểm tra, giám sát Chương trình tại 28 tỉnh và tiếp nhận ý kiến phản ánh của địa phương, các Bộ, ngành đã kịp thời ghi nhận, trao đổi và trả lời 72 kiến nghị, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình. Nhưng, quá trình triển khai Chương trình vẫn còn hạn chế như nhiều văn bản được ban hành chậm so với kế hoạch nên ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thực hiện tại địa phương; một số quy định, hướng dẫn chưa rõ, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ… dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong tổ chức thực hiện.

Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá bổ sung về những tác động của việc thực hiện các chính sách đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, sau khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách khu vực I, II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các địa phương đều đánh giá việc thực hiện 2 Quyết định đã có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong đó có một số chính sách có tác động rất lớn như hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chính sách thu hút, ưu đãi cán bộ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn…

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu đề nghị, Chính phủ có kiến nghị giải pháp và lộ trình cụ thể khắc phục vướng mắc trong triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận 65 - KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, cụ thể như giải quyết việc làm đối với thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, quy hoạch, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Khẩn trương sửa đổi Nghị định 05/2011/NĐ - CP của Chính phủ về công tác dân tộc cho phù hợp với tình hình mới và thể chế hóa được các quan điểm của Kết luận 65 - KL/TW.

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Dân tộc khẩn trương có Báo cáo bổ sung của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới. Rà soát lại các số liệu trong Báo cáo, nhất là số liệu giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Kho bạc Nhà nước với Báo cáo của các địa phương. Bổ sung đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của Ủy ban Dân tộc. Phản ánh rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành làm công tác dân tộc.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thuong-truc-hoi-dong-dan-toc-hop-phien-mo-rong-tham-tra-tinh-hinh-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-i329013/