Thường trực nỗi lo khi sống dưới chân núi nguy cơ sạt lở ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế)
Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia và Khe Lệ nằm gần QL1A thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) sống cùng nỗi lo sạt trượt núi trong mùa mưa bão.
Mùa mưa bão 2023 cận kề, các hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia và Khe Lệ lại thấp thỏm lo âu trước nguy cơ sạt lở núi. Gần đây nhất, những trận mưa lớn liên tiếp xảy ra cuối 2021 khiến một số điểm phía Bắc đèo Phú Gia sạt lở, nhiều khối đất đá từ trên núi đổ xuống tràn xuống, may mắn không gây thiệt hại về người, nhưng gây hư hại vườn tược, tài sản nhà dân.
Nhớ lại những lần phải di dời trong các trận mưa bão, chị Trần Thị Dung (thôn Phú Gia) cho hay, dưới chân núi Phú Gia có nhiều hộ dân dựng nhà sinh sống, là nơi nguy cơ sạt lở vì núi đã xuất hiện đứt gãy. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần mưa bão, chính quyền địa phương lại xuống vận động, gia đình tôi phải khăn gói đến nơi an toàn tránh trú, hết mưa mới về. Nhưng ai bảo đảm được lúc hết mưa, khi những ngọn núi đã ngấm no nước thì việc sạt lở không xảy ra? Chúng tôi vẫn luôn mong chờ được di dời, bố trí đến nơi ở mới để được an cư”, chị Dung nói.
Hiện có 14 hộ dân ở thôn Phú Gia sống sát chân núi, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở từ nhiều năm nay. Từ năm 2008 núi bắt đầu xuất hiện vết gãy nứt dài 200m, bề ngang 1,5m. Trước đó, một đơn vị khai thác đất đá đã đào dưới chân núi, có thể là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện vết nứt gãy này.
Cũng tại huyện Phú Lộc, hàng chục hộ dân khác sống dưới chân núi thuộc thôn Thổ Sơn và Trung Kiền (xã Lộc Tiến) cùng trong tình cảnh lo âu khi mùa mưa bão sắp về.
Ông Lê Văn Sắt, Trưởng thôn Thổ Sơn cho biết, phần lớn các hộ dân ở dưới chân núi Khe Lệ đều định cư tại đây từ cuối những năm 1970. Trong năm 2021 và 2022, tại chân núi Khe Lệ đã xảy ra 2 điểm sạt lở. Với địa hình như hiện nay, nếu khi trời mưa to, khu vực này nguy cơ tiếp tục sạt lở. Mỗi khi mưa bão, chính quyền địa phương phối hợp Ban Cán sự thôn lại đi vận động các hộ dân di dời, sơ tán đến những nơi an toàn. Các hộ dân ở chân núi Khe Lệ cũng luôn mong muốn sớm được di dời đến sinh sống nơi an toàn hơn.
Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, qua theo dõi, từ nhiều năm qua, vết nứt gãy này không kéo dài, không rộng thêm, nhưng vào mùa mưa bão vẫn có nguy cơ sạt lở. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và địa phương đã đề xuất chính sách hỗ trợ, có phương án di dời. Hiện UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã (trong đó có xã Lộc Tiến) rà soát, kiểm tra thực địa, cụ thể từng hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, tham mưu UBND huyện phương án giải quyết phù hợp.
Tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra giữa tháng 7/2023, Sở KH&ĐT cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị này tham mưu việc thực hiện các dự án di dân vùng sạt lở, giải quyết ý kiến cử tri liên quan giải pháp bảo đảm an toàn cho các hộ dân sống dưới chân núi, ven sông tại xã Lộc Tiến và các xã khác. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc tham mưu thực hiện Dự án “Di dời khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thôn Phú Gia”.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh cho biết, Sở đã có công văn gửi UBND tỉnh tham mưu về chủ trương đầu tư dự án trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia; giao BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh lập chủ trương đầu tư dự án. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh giao UBND huyện sắp xếp bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện dự án.