Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường
Sáng 31/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý chuyên ngành, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 và thời gian tiếp theo.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, trong thời gian qua, Sở và toàn ngành đã tập trung cho công tác thực hiện Đề án số 09 - ĐA/TU về Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Đối với lĩnh vực đất đai, từ đầu năm đến nay toàn ngành đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 969 tổ chức, 2.109 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân; thu tiền sử dụng đất đạt 978 tỷ đồng; thu tiền thuê đất đạt 107 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước, đã thu gom, thu hồi khoáng sản với số tiền hơn 7,4 tỷ đồng; UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ khoáng sản với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã tập trung vào công tác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thẩm định các báo cáo tác động môi trường cho các dự án đầu tư.
Thực hiện nhiệm vụ phân cấp, đổi mới, cải cách hành tổ chức bộ máy, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung vào 5 nội dung phân cấp liên quan đến thẩm quyền thu hồi đất; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); thí điểm chuyển văn phòng đăng ký đất đai về UBND cấp huyện quản lý; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phân cấp về ủy quyền xác định giá đất đề thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; xác định giá khởi điểm đấu giá các thửa đất có giá trị nhỏ. Về đổi mới, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện 2 nội dung đổi mới là thẩm định các hồ sơ có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản và thí điểm tự chủ về tài chính đối với Văn phòng Đăng ký đất đai.
Tham gia ý kiến với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành liên quan đề nghị Sở cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong quản lý, phối hợp quản lý quy hoạch đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch thông tin, nhất là thực hiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm, ý thức kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức ngành tài nguyên và môi trường; kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các hành vi, biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nhất là trong sản xuất công nghiệp.
Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường cần làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có vấn đề thực hiện các quy định, chính sách, pháp chế trong quản lý chuyên ngành. Sở Tài nguyên và Môi trường cần giải quyết dứt điểm những tồn tại có tính chủ quan, vấn đề nội tại như tiến độ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; vấn đề thắt chặt quản lý thuê đất, nhất là tại các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản. Việc quản lý, phối hợp quản lý quỹ đất công hiện mới làm tốt ở khu vực đô thị; việc tính giá đất bằng công thức giá trị thặng dư chưa sát với thực tế. Công tác quản lý khoáng sản tại các điểm mỏ vẫn lỏng lẻo, nhất là điểm mỏ đã có thông báo về đóng cửa; một số dự án của ngành quản lý còn chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của một số ngành, lĩnh vực khác.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chuyên ngành, trọng tâm là chính sách, quy định và pháp chế; vận hành tốt bộ máy, nhất là trong phối hợp chuyên môn, phối hợp từ nội bộ tới phối hợp với các ngành, đơn vị và địa phương. Trước tình hình mới, yêu cầu mới, cần có phương án tích cực trong tái cơ cấu công tác cán bộ nhằm đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Vấn đề mấu chốt trong thực hiện nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường vẫn là công tác tham mưu phải tích cực hơn, đúng, trúng và sát hơn, điểm nhấn là trong công tác quản lý quy hoạch đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những điểm mà ngành tài nguyên và môi trường cần khắc phục là công tác cán bộ, ở một số đơn vị, cấp thực hiện, cán bộ, công chức chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, nêu cao đạo đức trong thi hành công vụ. Công tác phân cấp, đổi mới đã có chuyển biến nhưng thiếu toàn diện và đồng bộ, những bất cập, lỗ hổng chính sách quản lý chưa được phát hiện và báo cáo kịp thời để giải quyết, khắc phục. Vẫn thiếu sự chủ động, vận dụng linh hoạt vấn đề bố trí, sử dụng cán bộ trong điều kiện biên chế bị giới hạn, khối lượng công việc tăng lên; công tác phân cấp quản lý các mỏ khoáng sản, cấp quyền khai thác khoáng sản, vận hành văn phòng đăng ký đất đai cần được thực hiện sâu, bám sát yêu câu thực tế hơn nữa. Ngành tài nguyên và môi trường nỗ lực phát huy hiệu quả công tác thời gian qua, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh.