Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Chiều 31.3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp

Trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) là một trong các nhiệm vụ nằm trong Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Dự án Luật này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp định kỳ trong tháng 4 tới trước khi trình Quốc hội.

Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tuy nhiên, Luật hiện hành còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, qua quá trình thực hiện, Luật đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết.

Gồm 8 chương và 116 điều, dự thảo Luật quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước; quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Thanh tra là quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước. Đồng thời, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong lãnh đạo công tác thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra…

Đại biểu phát biểu phiên họp

Đại biểu phát biểu phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu dự phiên họp nêu rõ, về quan điểm, nguyên tắc xây dựng dự án Luật, cần bổ sung và nhấn mạnh yếu tố đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra; đặt nội dung này trong tổng thể để thực hiện nhóm nhiệm vụ khác của thanh tra, như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng.

Đa số ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra và công tác quản lý nhà nước, trước tiên phải phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra. Do đó, dự thảo Luật cần làm rõ tiêu chí chính phân biệt thanh tra và kiểm tra về mục tiêu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục… Đồng thời, làm rõ “thanh tra” trong dự thảo Luật được hiểu như thế nào, có phải kiểm tra nhằm mục đích ngăn chặn vi phạm, còn thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm hay không?

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; hệ thống thanh tra chuyên nghành; trình tự, thủ tục thanh tra…

Tin và ảnh: N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuong-truc-uy-ban-phap-luat-tham-tra-so-bo-du-an-luat-thanh-tra-sua-doi-xbwoniickf-81654