Thượng úy công an xã bị 'tố' đánh người: Nếu đúng xử lý thế nào?

Vụ thượng úy công an xã bị người dân tố có hành vi gây thương tích đã bị đình chỉ công tác, nhiều người đặt câu hỏi, người này sẽ bị xử lý thế nào?

Ngày 5/7, Công an tỉnh Hưng Yên phát đi thông tin chính thức về việc xác minh, xử lý người liên quan sau khi có tố cáo của công dân. Cụ thể, ngày 3/7, anh N.T.H (sinh năm 1985, ở xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào) đến Công an thị xã Mỹ Hào trình báo nội dung: Khoảng 13h ngày 3/7/2023, khi lên làm việc với Công an xã Hòa Phong đã bị cán bộ công an xã Hòa Phong là Thượng úy Tống Hồng Núi có hành vi đánh gây thương tích.

 Hình ảnh anh H. với khuôn mặt nhiều vết máu và thương tích tại trụ sở Công an xã Hòa Phong.

Hình ảnh anh H. với khuôn mặt nhiều vết máu và thương tích tại trụ sở Công an xã Hòa Phong.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của công dân, trưởng Công an thị xã Mỹ Hào đã ra quyết định đình chỉ công tác trong thời gian ba tháng đối với Thượng úy Tống Hồng Núi để phục vụ công tác xác minh, điều tra theo quy định.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 44 Luật Công an nhân dân 2018, chiến sĩ Công an nhân dân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp chiến sĩ Công an nhân dân gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Nếu việc công an gây thương tích trong khi đang thi hành công vụ và sử dụng vũ lực nằm ngoài trường hợp pháp luật cho phép, đồng thời có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thượng úy công an thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hình phạt tù cao nhất lên đến 07 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì thượng úy công an đó vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt cho hành vi này là từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời, căn cứ theo điểm đ Khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì thượng úy công an có hành vi gây thương tích phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh người bị đánh.

Ngoài ra, thượng úy công an đánh người còn phải đối mặt với việc bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an. Hành động công an đánh người dân là rất phản cảm, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, tác phong của người chiến sĩ công an nhân dân. Dù bất cứ lý do gì thì hành vi của thượng ủy công an đánh dân cũng là đáng lên án và làm xấu đi hình ảnh của ngành công an.

Hiện vụ thượng úy công an xã bị tố đánh người đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Xem thêm video: Sư thầy cầm chổi đuổi đánh người đến cầu an, thực hư ra sao?

Nguồn: Lý Thùy.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thuong-uy-cong-an-xa-bi-to-danh-nguoi-co-tuoc-danh-hieu-cand-1874181.html