Thượng úy CSGT kiện Chủ tịch xã vì bị nhận xét là hách dịch
Chiều 28/7, TAND TPHCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Nguyễn Thanh Phương (thượng úy Đội CSGT Bến Thành) và đồng bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim Loan - tổ trưởng khu phố và Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) Đỗ Thị Thanh Thúy.
Ông Phương ngụ xã Bình Mỹ, giữ nguyên yêu cầu buộc bị đơn xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất tinh thần gần 13 triệu đồng.
Nguyên đơn cho biết, hàng năm, Công an TPHCM cho cán bộ chiến sĩ lấy ý kiến góp ý, nhận xét của chính quyền nơi cư trú. Khoảng tháng 10/2017, ông Phương nộp phiếu này cho địa phương. Bà Loan nhận xét ông Phương: về quan hệ với quần chúng nơi cư trú chưa tốt, không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch ỷ quyền, xem thường mọi người xung quanh.
Trong phiếu góp ý kiến, tổ trưởng khu phố còn đánh dấu vào các mục: ông Phương và gia đình chưa tốt trong việc thực hiện tiết kiệm trong sinh hoạt, nhất là trong tiệc cưới, việc tang, sinh nhật, tân gia lãng phí, bản thân và gia đình không tham gia sinh hoạt tổ dân phố. Chủ tịch xã Bình Mỹ - bà Đỗ Thị Thanh Thúy, xác nhận và đóng dấu vào bản nhận xét này.
Nhiều lần khiếu nại nhưng bị bác, ông Phương khởi kiện yêu cầu TAND huyện Củ Chi buộc Chủ tịch xã Bình Mỹ xin lỗi công khai và bồi thường 13 tháng lương tối thiểu.
TAND huyện Củ Chi xử sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Ông Phương kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng việc xét xử không đúng, chưa khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Ông Phương cho rằng, bản nhận xét này không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông. Năm 2017 ông còn độc thân, gia đình không tổ chức đám cưới, đám tang, sinh nhật. Chỉ có đám giỗ nhưng do cha mẹ ông tổ chức chứ không phải ông.
Thượng úy CSGT khẳng định, bản thân là sĩ quan, luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, quan hệ tốt với quần chúng nhân dân, không hách dịch. Mỗi tháng ông chỉ được nghỉ 1-2 ngày nên ở nhà nghỉ ngơi, phụ giúp người thân. Gia đình ông vẫn đi họp tổ dân phố đầy đủ, còn cá nhân ông không được mời nên không đi.
"Tại cơ quan đồng nghiệp né tránh tôi, nói tôi sống thế nào mà để người ta đánh giá như vậy. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến danh dự của tôi", ông Phương nói và cho biết, sau khi có phiếu góp ý đã bị thay đổi công việc, từ đi tuần tra sang làm văn phòng.
Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ là bà Đỗ Thị Thanh Thúy thừa nhận, ban đầu tổ dân phố đánh giá ông Phương đều "tốt hết" nhưng bà không đồng ý và yêu cầu làm lại. Giải thích về việc này, bà Thúy cho rằng, vì ông Phương và anh trai đã đến gặp bà xin không cưỡng chế tháo gỡ công trình xây dựng trái phép do anh trai ông Phương xây dựng. "Ông Phương không vận động gia đình tuân theo pháp luật trong việc xây dựng, tháo gỡ công trình sai phép", bà Thúy nói.
Trả lời HĐXX, bà Thúy thừa nhận, trong các tiêu chí đánh giá thì bản thân bà chỉ trực tiếp biết sự việc ông Phương và anh trai có sai phạm trong việc xây dựng công trình trái phép.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan cũng cho biết không có mâu thuẫn gì với ông Phương nên việc đánh giá là hoàn toàn khách quan.
Về căn cứ đánh giá ông Phương hách dịch, ỷ quyền, bà Loan cho rằng ở địa phương ông Phương không chơi với thanh niên cùng tuổi, đi làm về chỉ ăn nhậu hoặc ở nhà. "Gia đình ông Phương có tranh chấp đường mương nước với một công ty. Ấp có mời những người lớn tuổi ra giải quyết thì gia đình anh Phương chửi phía công ty. Anh Phương mặc sắc phục công an ra chửi bới, chỉ trỏ khiến người dân bức xúc", Tổ trưởng dân phố nói.
Về nhận xét "lãng phí", bà Loan cho rằng, gia đình ông Phương tổ chức đám giỗ nhưng mở loa lớn ảnh hưởng đến việc học của học sinh trường tiểu học gần đó, nhà trường phải qua nhắc nhở.
Từ đó, phía bị đơn vẫn bảo lưu quan điểm việc nhận xét của mình là khách quan, có căn cứ không chấp nhận yêu cầu của ông Phương. Tuy nhiên, nguyên đơn phủ nhận và cho biết nếu có sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND TPHCM tuyên giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Theo HĐXX, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật là phải có thiệt hại thực tế xảy ra. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Phương không chứng minh được thu nhập, lương thực tế của mình bị giảm sút từ khi có phiếu góp ý kiến của địa phương.
Hơn nữa, tài liệu ông Phương cung cấp cho thấy năm 2017, ông vẫn đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm cho rằng phiếu góp ý không tách bạch nội dung nhận xét về gia đình và bản thân ông Phương. Do đó, có ý kiến địa phương nhận xét đúng cho gia đình nhưng lại không đúng cho ông Phương và ngược lại. Việc thiếu sót này gây đến sự nhầm lẫn, song không ảnh hưởng đến thành tích, thiệt hại. Từ đó, HĐXX bác kháng cáo của ông Phương, tuyên y án sơ thẩm.