Thường xuyên ăn nước tương có ảnh hưởng gì cho sức khỏe?

Nước tương có vị ngon, chứa ít calo, nhiều chất chống oxy hóa, tuy nhiên nó cũng chứa hàm lượng natri cao, nếu dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thận, gây tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.

Nước tương là một gia vị đang ngày càng phổ biến trên thế giới. (Ảnh: iStock)

Nước tương là một gia vị đang ngày càng phổ biến trên thế giới. (Ảnh: iStock)

Nước tương là một loại gia vị dạng lỏng giúp làm tăng hương vị cho món ăn, có nguồn gốc từ Trung Quốc từ hơn 2.300 năm trước, được làm bằng cách lên men lúa mỳ và đậu nành bằng nấm men hoặc nấm mốc.

Rất ít loại thực phẩm có nhiều tác dụng như nước tương. Nó thường được sử dụng làm gia vị trong các món ăn như món xào, dùng làm nước xốt và nước chấm, đồng thời cũng được dùng làm gia vị trên bàn ăn.

Loại gia vị này ngày càng phổ biến trên thế giới, không chỉ được sử dụng trong các món ăn châu Á như cơm, mỳ và sushi, mà còn được các đầu bếp thêm vào như một thành phần trong các món ăn Mỹ, Tây Ban Nha, Địa Trung Hải và Italy.

Vì nước tương chứa ít calo, chất béo và đường, đồng thời chứa các chất dinh dưỡng có lợi như protein và axit amin nên nhều người coi đây là một lựa chọn thay thế lành mạnh cho các loại gia vị khác, chẳng hạn như sốt cà chua và sốt mayonnaise.

Tuy nhiên, liệu loại nước chấm này có thật sự chỉ chứa những ưu điểm tốt cho sức khỏe? Các nhà khoa học sau khi tiến hành các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra một số nguy cơ để người dùng lưu ý khi sử dụng nước tương.

 Nước tương giúp làm tăng hương vị cho món ăn. (Ảnh: iStock)

Nước tương giúp làm tăng hương vị cho món ăn. (Ảnh: iStock)

Tara Schmidt, Chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn kiêng Mayo Clinic (Mỹ), cho biết xét về mặt lợi ích, nước tương có nhiều chất chống oxy hóa và có một số đặc tính kháng khuẩn có tác dụng chống viêm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nước tương lại chứa nồng độ natri khá cao. Chuyên gia Dinh dưỡng và là Người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ), bà Caroline Susie, chỉ ra rằng "lượng natri khuyến nghị hàng ngày cho mỗi người là 2.300mg, nhưng chỉ cần một thìa nước tương đã chứa tới 40% lượng natri khuyến nghị này."

Việc dùng quá nhiều nước tương trong thời gian dài rất dễ làm tăng acid uric trong máu, gây tổn thương đến những chức năng của thận, gây tăng huyết áp, gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và đột quỵ.

Giống như tất cả các loại thực phẩm lên men, nước tương có lượng histamine cao. Đây là một loại amin sinh học giúp duy trì chức năng sinh lý của ruột cũng như là một chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch cục bộ.

Histamin có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban, ngứa tiềm ẩn sẵn trong cơ thể những người dễ bị dị ứng.

Nghiên cứu cho thấy những người không dung nạp histamine khi ăn nước tương có thể gây ra phản ứng cho cơ thể với các biểu hiện như đau đầu, khó thở, nổi mẩn trên da và các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy.

Đối với những người bị dị ứng với gluten hoặc lúa mỳ thì nước tương cũng không phải là một lựa chọn thích hợp bởi thành phần lúa mỳ có trong nước tương có thể khiến họ bị ứng dị ứng.

Ngoài những nhóm trên, hầu hết mọi người đều có thể thưởng thức hương vị và sự đa dạng của nước tương trong một chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng nhớ là ăn nước tương một cách hợp lý, chuyên gia Susie nói.

Theo một ước tính của các chuyên gia kinh tế, thị trường nước tương toàn cầu phổ biến đến mức nó được định giá 48,1 tỷ USD vào năm 2022 và có thể tăng gần gấp đôi trong năm 2032.

Thị trường nước tương toàn cầu hiện được phân thành hai loại: truyền thống và pha trộn (sản xuất công nghiệp).

 Sản xuất nước tương truyền thống tại Malaysia. (Ảnh: iStock)

Sản xuất nước tương truyền thống tại Malaysia. (Ảnh: iStock)

Nước tương sản xuất theo phương pháp truyền thống có thể mất vài tháng để hoàn thành. Quá trình này bao gồm việc trộn đậu nành nấu chín, lúa mỳ rang, muối và nước trong các thùng lớn và để hỗn hợp lên men tự nhiên theo thời gian.

Nước sốt tạo ra rất đậm đà, phức tạp và thường có hương vị hơi ngọt. Nước tương ủ theo phương pháp truyền thống này sẽ có chất lượng cao hơn nước tương sản xuất công nghiệp

Trong khi đó, quy trình sản xuất nước tương công nghiệp hiện đại nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn bằng cách sử dụng phương pháp thủy phân bằng axit để phân hủy lúa mỳ và đậu nành.

Ngoài ra, còn có một số loại nước tương được sản xuất bằng phương pháp hóa học yêu cầu thêm màu và hương liệu nhân tạo. Tuy nhiên, loại nước tương được sản xuất bằng hóa chất này không tốt cho sức khỏe và có thể chứa các chất gây ung thư.

Loại nước tương này thường có chữ “hydrolyzed" (thủy phân) trên nhãn để người tiêu dùng có thể phân biệt khi lựa chọn mua hàng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thuong-xuyen-an-nuoc-tuong-co-anh-huong-gi-cho-suc-khoe-post922311.vnp