Thụt tháo chuẩn bị nội soi, bất ngờ phát hiện sán dài hơn 3 mét sống trong ruột
Một người đàn ông 30 tuổi ở Phú Thọ vô tình phát hiện sán dây dài hơn 3 mét còn sống trong ruột sau khi thụt tháo để nội soi đại tràng.
Gần một năm qua, người đàn ông 30 tuổi, quê Phú Thọ thường xuyên bị đau bụng. Nghĩ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, anh chủ quan không đi khám. Đến khi thấy trong phân xuất hiện những đoạn màu trắng như đốt sán, anh mới đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kiểm tra.
Tại Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế, sau các xét nghiệm ký sinh trùng, anh được chỉ định thụt tháo để chuẩn bị nội soi đại tràng. Sau thụt, các bác sĩ bất ngờ phát hiện con sán dây dài hơn 3 mét theo phân ra ngoài, còn sống, đang ký sinh trong ruột và đại tràng.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết có thói quen ăn rau sống và lâu không tẩy giun. Anh nghi ngờ bị nhiễm sán do ăn rau không đảm bảo vệ sinh, có thể chứa trứng sán dây.

Bác sĩ khám và tư vấn sức khỏe cho người bệnh.
Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Hoa, Kỹ thuật viên trưởng Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử, cho biết: “Qua quan sát ban đầu, nghi đây là sán dây bò (Taenia saginata), nhưng cần chẩn đoán phân biệt với sán dây lợn (Taenia solium). Muốn xác định chính xác, cần thu được phần đầu sán – bộ phận mang đặc điểm định danh”.
Bệnh nhân đang được chỉ định uống thuốc xổ để thải nốt phần đầu sán. Việc này không chỉ giúp xác định loài mà còn nhằm tránh tái phát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế, cho biết, “sau khi định danh, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp xổ sán. Sau điều trị, cần xét nghiệm phân định kỳ trong vài tuần đến vài tháng để đảm bảo sán đã được loại bỏ hoàn toàn”.
Theo bác sĩ Huyền, sán dây có thể sống âm thầm nhiều năm trong cơ thể mà không gây triệu chứng rõ rệt. Một số người có thể bị đau bụng âm ỉ, đầy hơi, buồn nôn, sụt cân dù ăn uống bình thường. Không ít trường hợp, dấu hiệu đầu tiên là phát hiện đốt sán theo phân.
Sán dây lây nhiễm qua đường tiêu hóa, chủ yếu do ăn phải trứng hoặc ấu trùng trong thực phẩm nhiễm bẩn. Với sán dây bò, nguồn lây thường là thịt bò tái, chưa nấu chín kỹ. Nguy hiểm hơn, sán dây lợn còn có thể lây từ người sang người qua đường phân - tay - miệng nếu vệ sinh kém. Trứng sán sau khi vào cơ thể có thể di chuyển đến não, mắt, cơ… gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
“Trứng sán dây có thể tồn tại trong đất, nước, thực phẩm ô nhiễm. Thói quen ăn uống không an toàn như ăn rau sống, thịt tái, tiết canh, uống nước lã hoặc không tẩy giun định kỳ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh”, bác sĩ Huyền cảnh báo.
Mỗi đốt sán dây chứa hàng nghìn trứng, nếu không điều trị triệt để, trứng sẽ tiếp tục phát tán qua phân, làm tăng nguy cơ tái nhiễm cho bản thân và người xung quanh.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo cần ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hạn chế ăn rau sống chưa được xử lý kỹ. Người dân nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi hoặc người có sức đề kháng kém.